1. Bóng người trong kiếp chữ.
Giữa bạt ngàn tác giả thơ Việt đang lan tỏa và lập ngôi cho ngôn ngữ thơ soi sáng vào cuộc sống này, trong mấy chục năm qua, giới chuyên môn và người đọc đã nhận diện và định hình nên một tầm vóc thi nhân Trần Quang Quý qua tài năng thi ca và sức lao động không mệt mỏi của ông! Điều rất dễ nhận thấy ở thơ Trần Quang Quý là sự độc đáo, hàm ngôn và tươi mới trong ngôn ngữ thơ! Sự làm mới liên tục của ông đã tạo ra nét riêng của thơ ông, đồng thời còn góp phần mở rộng các trường nghĩa mới cho ngôn ngữ Việt! Có thể nói, cuộc đời thơ của Trần Quang Quý là sự cần mẫn và liên tục những tìm tòi sáng tạo cho thơ!
Với những đóng góp ấy, mặc nhiên, ông đã trở thành những người mở đường sáng tạo và đổi mới tích cực cho thơ Việt Nam trong giai đoạn vừa qua! Cũng cần nói thêm rằng, đã có rất nhiều tác giả trong cuộc cách tân thơ rầm rộ vài mươi năm trở lại đây, nhưng thành công như Trần Quang Quý là không nhiều, bởi sự cách tân của Trần Quang Quý là sự sáng tạo tìm tòi độc đáo được kết hợp giữa ngôn ngữ Việt và ý tứ thơ.
Nhà thơ Trần Quang Quý đã xuất bản hơn hai mươi đầu sách. Trong sự nghiệp văn chương của mình, ông đã giành được nhiều giải thưởng có giá trị. Năm 2016 ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho cụm 03 tác phẩm thơ: Giấc mơ hình chiếc thớt; Siêu thị Mặt; Màu tự do của đất.
Biết mình sắp đi xa, năm 2022 ông đã cho xuất bản cùng lúc 03 tập thơ là Miền tỏa bóng; Những sắc màu đa thức và Những nẻo người! Có thể nói, đó là những ấn phẩm thơ quý mà thi sỹ họ Trần gửi lại nhân gian trước khi hóa về cõi vĩnh hằng!
Ba thi phẩm này mang đậm nét quá trình sáng tạo liên tục trong thế giới thơ của Trần Quang Quý! Có thể nói Trần Quang Quý đã tạo ra những kiếp chữ trong kiếp thơ của mình! Nói một cách khác thì hình như người thơ đã nhập hồn mình vào xác chữ, để tạo ra một hệ thống ngôn ngữ thơ Việt độc đáo và đa chiều mang thương hiệu của riêng ông!
2. Định hình dòng thơ Namkau trong Những sắc màu đa thức.
Trần Quang Quý là người ưa thích và lấy việc tìm ra chữ mới, cách viết mới cho thơ Việt làm nguồn mạch để sáng tạo và cống hiến! Điều này trong giới thơ ca luôn là một mệnh lệnh. Xưa, Đỗ Phủ thi thánh đã từng nói: “Ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu!” (Làm thơ, dùng chữ không khiến người nể sợ, thì chết không an), nay giới thơ ca thường bảo nhau: “Viết về cái gì và viết như thế nào?”. Mấy câu hỏi ấy tưởng như đơn giản này nhưng lại là thách thức liên tục đối với cả người viết và người đọc của thơ trong quá trình vận động để tồn tại và phát triển của thi ca cùng lịch sử! Mấy năm vừa qua, Trần Quang Quý đã sáng tạo ra một thể thức thơ mới đó là thơ Namkau. Ấy là một dạng thức thơ mà mỗi bài gồm năm (05) câu thơ, được tách thành hai phần. Phần đầu ông gọi là phần Trình diễn, phần sau của bài thơ là Kết và Nghiệm! Năm 2016, ông giới thiệu một loạt những bài thơ Namkau của ông trên facebook cá nhân, nhiều bài đã được rất nhiều nhà thơ, nhà phê bình văn học cổ vũ và tán thưởng. Từ đó đến nay, Namkau thơ mặc nhiên là một hình thức thơ được nhiều người sáng tác lựa chọn! Đấy, có thể coi là một đóng góp khá ấn tượng của Trần Quang Quý cho nền thơ Việt Nam hôm nay! Có thể nói, điểm nhấn của bộ ba tác phẩm mà Trần Quang Quý công bố lần này là tập thơ Namkau Những sắc màu đa thức của ông!
Trong rón rén bình minh chợt nhú/ ban mai vừa cởi cúc mùa thu. (T.Q.Q)
Hai câu thơ trên hiện lên trong trí nhớ khi tôi ngồi viết về ông, nó là hai câu Kết và Nghiệm của một bài thơ Namkau mà TQQ giới thiệu từ năm 2016. trong Những sắc màu đa thức, tần suất những câu thơ động, lạ và tỉnh thức như thế xuất hiện rất nhiều:
Hoa bưởi trắng miền em trinh trắng/ thơm tháng ba thơm núm em cười/ thắp nắng bằng màu hoa giản dị/…/ Tôi đơm hết mùa hương trên ngực gió/ ướp cả chiều vào một làn môi. (Tháng ba).
Cánh buồm đã duỗi sâu ký ức/ ghim đôi mắt chiều xa/ có bến sông nằm lỡ một đời đò/…/ Đã qua bao bến nhớ/ chưa qua bờ đứng lệch cả ngày xưa! (Bên sông).
Trần Quang Quý sáng tạo ra một thể thơ bằng một sự tìm tòi của ý tưởng, của tư duy thơ, chứ không phải một hình thức để bó buộc ngôn ngữ thơ mình! Điều mà lúc sinh thời ông luôn tâm niệm là: làm mới ngôn ngữ thơ. Ông đọc thơ người khác cũng bằng tâm thức để tìm cái hay trong cái mới của ngôn ngữ thơ! Với mạch thơ Namkau, bởi khuôn khổ của nó là hạn chế về câu chữ, nên ngôn ngữ của nó là thứ ngôn ngữ thơ đại diện, nó không thuộc nhóm ngôn ngữ tự nhiên, dung dị những vân vi, những dãi dề bày tỏ… Mỗi bài thơ Namkau của Trần Quang Quý được thiết đặt tinh tế bằng những cụm ngôn ngữ minh triết những ám ảnh và gợi thức:
Có cái mặt phởn phơ đêm trung thu mót trăng/ có cái mặt ả đào dẻo mắt/ có cái mặt quặn đời chật hẹp…/…/ Lại có cái mặt mà không thành mặt/ dán vào đâu cũng chẳng giống mặt người. (Mặt lạc).
Quyển sách nằm trong tủ/ khát vọng bay ra khỏi nhà tù tri thức/ những con chữ ngáp mốc/…/… Chữ là chữ chỉ sau thoát những ngày suông giam lỏng/ mốc đã ăn rỗ mặt vỏ từ. (Tủ sách).
Bài thơ Mặt lạc trên đây là một bài được viết bằng những cụm chữ mới lạ. Cái bản mặt sinh học của con người thì rất dễ thấy, nhưng cái gương mặt làm người, cái gương mặt mang “tính người” thì chưa chắc đã hiện hữu và đồng nhất với gương mặt sinh học của mỗi cá nhân. Bài thơ chỉ khoảng trăm chữ, mà ý thơ thì sâu sắc và gợi mở, đấy là cách lập tứ của một cây bút thơ tài hoa và trí tuệ! Đấy là Mặt lạc, còn đây là một cách luận giải khác về mặt:
Lang thang từ lối mòn heo hút đến đại lộ/ những bước chân dẫm dọc ngang lịch sử/ tiếc những con đường không thành./…/ Có người đi kiệt núi sông/vẫn là người không mặt. (Diện).
Trong thơ Namkau nói riêng và thơ của Trần Quang Quý nói chung, thì cái tên bài thơ không đơn thuần chỉ là một khái niệm để định danh cho ý tứ thơ, mà nó còn là một phần quan trọng trong nội dung của bài thơ! Những người thơ tài hoa và chuyên nghiệp trong sáng tác của mình luôn biết cách để mở rộng sức chứa, sức tải cho câu chữ, luôn bắt câu chữ phải biến ảo để tiếp cận đa chiều hơn, sâu hơn với cõi người.
Đêm dài quá không sao ngủ hết/ tuổi dần cao giấc ngủ co dần/ thấp thỏm đợi bình minh giải cứu/…/ Nằm vơ vẩn những tầm thường hoang phí/ trót gửi ngân hàng không lãi suất thời gian. (Những đêm)
Với thơ Namkau, có thể nói hãy còn quá sớm để tiên lượng về sự tồn tại và ảnh hưởng của nó với nền thi ca Việt Nam, nhưng cái cách mà Trần Quang Quý dùng nó để làm hay, làm mới cho ngôn ngữ thơ mình bằng hình thể thơ độc đáo này qua ấn phẩm Những sắc màu đa thức là rất đáng trân trọng. Điều đáng quý và độc đáo nữa trong sáng tạo của Trần Quang Quý là ngôn ngữ thơ dù để hiểu, hay để dẫn gợi, thấu cảm, đều gắn chặt với văn hóa và ngôn ngữ thuần Việt. Có thể đây chính là tiền đề cho những sáng tạo của ông dễ được đông đảo bạn đọc và giới chuyên môn ghi nhận:
Cơn gió góa đi lẻ ngày thu cuối/ bến sông gầy mùa cạn nhớ ai/ những ngày hè dập dìu bãi tắm/…/… Gió hy vọng gặp ngày hè quá lứa/ biết đâu còn cạp lại nong nia. (Duyên cuối).
Với thơ Namkau, Trần Quang Quý đã đóng góp vào thơ Việt Nam một thể thức thơ khá hợp với tiếng Việt, chữ Việt, hợp với cách nói, cách nghĩ của người Việt, thơ ấy mang dung hợp tốt đối với mọi thi liệu trong cuộc sống của người Việt Nam, cho nên chúng ta hy vọng rằng Namkau sẽ tồn tại và phát triển tốt trong đời sống văn chương Việt Nam.
3. Ngôn ngữ thơ khai sinh trong Những nẻo người và Miền tỏa bóng.
Xin được dùng khái niệm “khai sinh” để bàn về cái cách mà Trần Quang Quý sáng tạo cho ngôn ngữ thơ của mình qua ấn phẩm Những nẻo người và Miền tỏa bóng. Một đời thơ, có người rất dài, có người rất ngắn, cái dài hay ngắn của đời thơ tính bằng sự sáng tạo của người thơ, chứ không phải là một đời thơ theo cuộc sống sinh học của tác giả! Với thi sỹ Trần Quang Quý, khi nhập mình vào sáng tác thơ, là ông thanh lọc, thanh lý ngôn ngữ thơ của mình một cách triệt để, những cụm ngôn ngữ đặc trưng mà ông đã dùng, rất ít thấy chúng lặp lại ở những sáng tác thơ mới. Vậy nên, với Trần Quang Quý có thể nói rằng đời thơ đích thực chỉ khép lại khi trái tim ông ngừng đập!
Đọc ấn phẩm Những nẻo người và Miền tỏa bóng (từ đây xin được viết tắt tên hai tập thơ này khi trích dẫn là N.N.N và M.T. B), thấy cảm xúc thơ ông luôn dào dạt những mạch yêu thương! Cung thơ này là thăm thẳm tình yêu với Tổ quốc, cung thơ kia là những chìm nổi với phận người trong bể phù sinh… Và tất nhiên, để xây dựng nên những cung thơ ấy, là nhờ vào hệ thống ngôn ngữ thơ đa dạng, sáng tạo của của thi sỹ Trần Quang Quý. Câu chữ trong thơ của ông ngỡ như từ tự nhiên được sinh ra, nhưng thực ra nó đã được tuyển chọn, rồi khởi tạo thêm các tầng nghĩa mới và thiết đặt rất tinh vi:
– Lầm lì đá, xộc xệch đá, lộc ngộc đá quấn chân/ đầu gối cao ngang ngực/ váy cao hơn chân trời/ mỗi bước đi,mỗi bước nhấc mây…/… Đã bao đời, đá lọ mọ kê rào/ đá chui vào giấc ngủ/ hoàng hôn núi sớm ngủ trọ bóng tối/ ngực đêm thở đá, rừng thở sương khuya. (Bản tình ca trên đá – N.N.N).
– Những cô gái Mông hây hẩy quẩy nắng lên nương/ lặng lẽ gùi chiều sương về bản/ bước đi gằm đá, câm nín đá! (Mù Căng Chải trong mây – N.N.N)
Đấy là hồn cốt của đá mà ông thu vào ngôn ngữ thơ những năm gần ngay đây. Còn đây cũng là hình hài đá, với bản làng chiều biên cương trong chính thơ ông viết từ năm 2008, lại hiện lên với một sắc diện như này:
Đường sang bản có mùa hoa mận trắng/ mắt em lay láy nắng đương chiều…/…/ khói lam neo chiều vào chon von đá/ em vượt dốc gùi trên vai trĩu nặng/ngực mùa xuân cong ngực con đèo…/…/… Đây thôn dã màu hoa trắng nồng nàn tinh khiết/ một màu hoa làm sáng rừng chiều/ em đứng đợi bản xa thêm gần lại/ bếp đã thức/ chờ ngạt ngào thắng cố/ ngô đã lùi/ khèn lá gọi xanh. (Đi qua mùa hoa mận – N.N.N)
Bài thơ Mùa hoa mận mà chúng tôi trích dẫn trên đây là một thi phẩm đã giành giải Nhất trong cuộc thi thơ về thơ Biên phòng do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Tư lệnh Biên phòng tổ chức! Để hai thi phẩm ấy cạnh nhau, để thấy sự lao động nghệ thuật trong quá trình làm tươi, làm mới, làm khác chính mình liên tục trong lao động nghệ thuật, mới càng thêm trân trọng và cảm phục sự sáng tạo trong ngôn ngữ của nhà thơ Trần Quang Quý.
Hoa lau phất heo may bạc chiều biên giới/ dòng Nậm Na vắt ra từ ruột đất/ rót lang thang vào họng sông Đà/ rót mưa Mường Tè vào mây Phong Thổ/ hoang vu nháp tôi nỗi người sương đắng. (Với Lai Châu – N.N.N)
Như đã khởi luận ở phần trước, ngôn ngữ thơ của Trần Quang Quý mang gốc rễ, bản ngã và văn hóa Việt Nam, bởi vậy, tiếp cận những văn bản thơ của ông, người ta thấy những cụm từ láy, từ cổ, hoặc từ địa phương được nâng tầm và trở nên sang trọng trong hệ thống ngôn ngữ thơ của ông.
Ngả đêm ra rót men mời bè bạn/ ngân giọng chèo mộng mị sông Trà/ đêm lên đồng lảo đảo/ chầu văn dắt về làng/dắt hoàng hôn gả về bóng tối…/…/ ta sinh ra từ cánh đồng khói sương mùa vụ/ chum vại đựng vơi đầy lời tiên tổ/ chiếc cối xay một thời kẽo kẹt những vòng thân phận/ làm nên nhân cách Người…/ Nào rót nồng nàn men bè bạn/ rót sông Trà, nào rót cố hương/ sông nằm duỗi uống trăng/ ta uống ta bầu bạn/ trăng lên rồi, uống cả một trời quê. (Đêm Thái Bình).
Mạch nguồn thơ của Trần Quang Quý được chắt vào từ cuộc sống, thơ ông luôn hướng tới số phận của con người, lấy những nỗi niềm người làm kim chỉ nam trong sáng tác:
Sau vẻ bình yên có một Hà Nội không kịp ngủ/Hà Nội cày đêm cổng chợ/ gật gừ hẻm phố/ đong từng bát cơm vắt sương khuya/ đong từng giấc mơ dưới những khách sạn, nhà hàng hào nhoáng/ mấp mô cầu Long Biên nối hai bờ sự sống/…/…/ Những xe thồ những thùng những sọt ngáp cơn thiếu ngủ/những quán cóc đêm đong lại mồ hôi người chạy chợ/một chén trà bốc khói/ tôi uống đêm nóng hổi mưu sinh. (Đêm qua chợ Long Biên – N.N.N)
Trần Quang Quý mang một tư duy sáng tạo liên tục, làm mới mình liên tục, chính sự liên tục thành hệ thống ấy mới tạo ra một thế giới thơ Trần Quang Quý! Trong thế giới ngôn ngữ thơ ấy của Trần thi sỹ rất ít có sự lặp lại về câu chữ, người ta ít thấy sự cũ từ chính ông, chứ đừng nói đến cách dùng từ của người khác lẫn vào ông! Để có một quá trình sáng tạo kéo dài suốt mấy mươi năm với hàng chục tập thơ như thế, phải là một tài năng thơ và một trí tuệ đích thực, bên cạnh đó là một ngọn lửa đam mê sáng tạo luôn rực cháy!
Chữ vén lên trầm tích lịch sử/ chữ lặn sâu vào tận đáy Người/ chữ khai sáng những miền u tối/ Mỗi lần mở bút/ như mỗi ngày bình minh đòi sáng.
(Viết – Miền tỏa bóng (M.T.B).
Những câu thơ se sắt ngày hanh/ mong hạt nở bình minh an lành màu mỡ/ chữ giang tay chia sẻ nhiều thân phận/dắt tôi vào nghĩa thực mỗi mai.(Những bài thơ tôi viết – M.T.B)
Thơ của Trần Quang Quý không phải là thứ thơ được sinh thành từ tự nhiên, nó là kết quả từ mạch nguồn cảm xúc kết hợp với một năng lực sử dụng ngôn từ đặc biệt. Cảm xúc ấy, năng lực ấy được kiểm soát bởi một căn tuệ thơ đầy lý tính mới tạo ra những câu thơ lạ lẫm bằng sự tương tác, động đậy của những từ ngữ vốn quen thuộc:
Châu chấu buổi chiều bay vẹt hoàng hôn/ nối dài xa xăm mọi kiếp người/ chiếc bát nhỏ đựng cả ngoài cõi đựng/ bưng bát cơm/ tôi bưng cả làng tôi những số phận cánh đồng! (Một chiếc bát nhỏ nhoi – M.T.B)
Một chiếc bát quen thuộc, đã mòn vẹt, đã vỡ, đã lành, luân hồi theo những kiếp người dân Việt, nó quen thuộc với bất cứ ai, nhưng chỉ khi gặp sự sáng tạo của Trần Quang Quý thì mới thấy cái bát nhỏ ấy “đựng cả ngoài cõi đựng” và khi bưng bát cơm như “bưng cả làng tôi cùng những cánh đồng số phận”. Cách lập tứ, lập ngôn ấy cho thơ đã tạo nên sự gợi mở đa chiều cho người đọc. Ý thơ chồng lớp, câu chữ đa nghĩa tạo nên sự đa tầng trong cấu trúc của bài thơ.
Có con đò đã ngủ sâu trong cõi vắng/ ngày Mẹ sang sông trĩu gánh đôi bờ/ gánh bẫng lẫng tháng ba giáp hạt/ gió lạnh sương đêm con đường nhọc nhằn khoai lúa…/Mẹ vắt đất và vắt mình thành sữa. (Chúng con về, thưa mẹ – M.T.B).
Cái mạch ngôn ngữ thơ của Trần Quang Quý luôn mới lạ, nhưng không xù xì hay tù mù, gặp sự đồng điệu hoặc sự thấu cảm, câu chữ trong thơ ông sẽ tự sáng để đưa người đọc đi vào từng khoang ý tứ mà ông cài cắm trong mạch thơ. Như ở bài thơ Tôi gọi tôi trong Thi tập Miền tỏa bóng:
Có khi tôi bỗng gọi ra một thằng cha nhang nhác/ đời không ít những tôi lờ lợ, những mạo tôi trà trộn/ muốn biến tôi thành một thằng tôi khác/ tôi lục tìm trong cả những tế bào đã phủ lấp thời gian/ Tôi gọi tôi ơi, vẫn thường gọi/ gọi mỗi ngày để không lạc chính tôi. (Tôi gọi tôi – M.T.B).
Trải suốt những tập thơ của Trần Quang Quý mà chúng tôi đã từng được đọc, định hình rất rõ tư duy thơ mang tính lý trí và chiêm nghiệm sâu như thế, nó mang những giá trị khai phóng và tỉnh thức! Bởi vậy theo chúng tôi, thơ Trần Quang Quý thiên về sự tỉnh thức hơn là sự chia sẻ khi tiếp cận bạn đọc! Ấy chính là tư tưởng thơ, là tầm vóc thơ để tạo nên một nhà thơ lớn trong thời đại của mình! Trong một bài thơ mang những cảm xúc về ngày 30/04 – Ngày độc lập của dân tộc, ông đã chọn thi liệu là bầy chim sẻ nhặt thóc bên hè phố, để gợi thức sâu hơn những giá trị của hòa bình có được hôm nay:
Tiếng sẻ ríu ran nhặt thóc vỉa hè/ Sẻ quên cả bước chân người qua/ quên bụi khói xe ồn ào ngang phố/ những cái mỏ tí hon nhặt nắng/ nhặt hạt an lành trời xanh gieo/ không chỉ nắng/ không chỉ là hạt thóc/ chúng đang nhặt hòa bình/ con người từng rơi vãi dọc thời gian. (Bầy sẻ ri về phố – M.T.B).
Đọc thi phẩm Miền Tỏa Bóng, thấy giữa hun hút những nỗi niềm dâu bể, những dọc ngang bừng thức, là lồng lộng xanh một khoảng trời quê hương trong trẻo. Lật mở những trang thơ ấy thầy nguồn mạch sông Đà và bóng dáng quê hương như được thời gian rót vào câu chữ, còn thi sỹ Trần Quang Quý ngỡ chỉ là người thiết đặt không gian và ghi lại những chuyển động ấy:
Bà nội đội xôi lên chùa chân quấn con đường rơm/ hy vọng an lành/ xum xuê mùa vụ/ em gánh thóc tắm khuya ngày muộn/ ngực em thơm cả gió sông Đà/ dòng sông chảy vào đời thôn dã/và những bước chân chảy nhọc ngõ làng. (Hai dòng sông – M.T.B).
Đến với Thơ Trần Quang Quý là đến với dạng thức thơ của sự lay cảm, thức gợi và khai phóng, bởi vậy nó cần sự đồng vọng, và tri âm của tuệ thức nơi người đọc! Dẫu biết thơ là của mọi người, nhưng thơ không thể tự mình đi đến với tất cả mọi người đọc, cho nên, đến với thơ Trần Quang Quý là đến với những con chữ mang mật mã để mở vào một đời sống khác của câu chữ vậy!
4. Thay lời kết
Càng đọc thơ Trần Quang Quý ở những tập gần đây, và đặc biệt với bộ ba ấn phẩm này, càng nhận thấy sự biến ảo đa dạng, đa chiều của ngôn ngữ thơ với mật độ ngày một dày hơn! Tài năng thơ và năng lực sáng tạo liên tục ấy đã đặt thi sỹ Trần Quang Quý vào vị trí những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hôm nay!
Trong sự nghiệp văn chương của mình, Trần Quang Quý đã định hình và sáng tạo liên tục một hệ thống ngôn ngữ thơ của riêng ông. Đọc thơ Trần Quang Quý, ta nhận ra rõ nét hơn một thiên chức nữa của nhà thơ là tạo nên chữ mới cho ngôn ngữ và mở thêm các tầng nghĩa mới cho chữ!
Trần Quang Quý đã thành công trong cách lập Ngôi cho câu chữ của thơ mình! Trong thế giới ngôn ngữ thơ của ông, câu chữ không được phép lặp lại mình, như thể nó sinh ra một lần rồi phải chết, để đến bài thơ sau, là cơ hội cho một kiếp chữ mới khai sinh! Sự sinh diệt liên tục ấy khiến câu chữ của thơ ông luôn độc đáo và mới mẻ!
Đã một năm rồi, Thi sỹ Trần Quang Quý đã về miền mây trắng theo quy luật của muôn đời, nhưng những kiếp chữ trong ngôn ngữ thơ của ông để lại thì vẫn đang tiếp tục tương tác và sinh sôi trong lòng những người yêu thơ ông!
N.T.K
Hà Nội 08.2023
Bài viết liên quan
“Hương đồng, gió nội” trong thơ Nguyễn Thế Kiên
Công ty Cổ phần Văn hóa Đất Việt xin trân trọng giới thiệu tập thơ. . .
Th8
NGÀY XUÂN ĐI CHÙA BỔ ĐÀ
Khách du lịch, người hành hương, luôn là những người thích kham phá và sùng. . .
Th6
Mẹ và Tết quê – hình ảnh đăm đắm nỗi niềm trong thơ Trần Mạnh Hảo
Mỗi chúng ta ai cũng có một nơi sinh ra và lớn lên, một nơi. . .
Th5
Vạn thọ ngày tết – Hoa của đoàn viên
Như một tín hiệu của mùa xuân, hoa vạn thọ luôn hiện diện trong tâm. . .
Th4
Đặng Văn Chương – Lặng lẽ những mạch chiều
1. Trong cõi văn chương, thì mạch thơ là thứ khó nắm bắt nhất, có. . .
Th4
“Duyên” và những nỗi niềm suy tư, khắc khoải
Duyên là tập thơ mới nhất của Kiên lục bát. Đây là tập sách thứ. . .
Th4