Khổ: 14 x 20.5 cm
Số trang: 176
NXB Hội Nhà văn
Giá bán: 125.000đ
Tác giả: Nhà văn Vũ Đảm
– Cử nhân văn chương, thạc sỹ văn hóa
– Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
– Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội
– Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
“Từ xa xưa người ta thường nói: “Lành như đất, hiền như sông” để nói về cái sự lành hiền trong trời đất và kiếp nhân sinh. Vậy nên khi cầm cuốn truyện ngắn Dòng sông nổi giận của Vũ Đảm tôi đã có ý băn khoăn: ai đã làm gì đến mức để sông phải nổi giận? và đọc đủ 18 truyện ngắn trong đó.
Vũ Đảm không vơ đũa cả nắm. Không phải tất cả các vị quan chức được tác giả kể trong tập sách này đều tha hoá biến chất. Trong 18 truyện ngắn ta có gặp những cán bộ hết lòng vì dân. Nhưng không nhiều. Có lẽ đó là sự thật. Và sự thật ấy minh chứng cho những gì tốt đẹp vẫn đang hiển hiện trong đời sống. Hơn nữa những điều tốt đẹp ấy, những cán bộ thực sự vì dân như thế như là một mẫu số chung để người đọc thiết lập sự so sánh và bày tỏ thái độ công phẫn với những quan chức tham nhũng, đặc quyền đặc lợi chen lấn với người tốt, làm khổ dân lành.
Với cách kể chuyện dung dị thật thà, không làm duyên làm điệu, lại kể theo trật tự thời gian tuyến tính nên các câu chuyện trong tập sách này dễ hiểu, được người đọc tiếp nhận một cách tự nhiên. Có những trường đoạn khai thác tâm lý khá đắt như đoạn suy nghĩ tính toán giữa cái mất cái được của Thuần khi chuẩn bị dâng hiến vợ hay đoạn ông quan tên là Đa suy tính thủ đoạn sau khi được ngủ với cô giáo Thắm thì phải làm tiếp những công đoạn gì để có thể vẫn được tình mà chỉ mất ít tiền. Có nhiều đoạn như vậy lắm trong các truyện ngắn khác. Tác giả đã cố gắng bóc trần sự thật đằng sau những lời hoa mỹ, những mưu mô của bọn quan chức hủ bại để người đọc ám ảnh. Đồng thời từ đó tạo dư luận cho con người không thể thờ ơ mạnh dạn lên án cái xấu cái ác. Và hơn nữa người ta còn được cảnh tỉnh các ác cái xấu luôn bị trừng trị đích đáng để không nghĩ đến chuyện làm ác làm xấu. Bên cạnh những tha hoá ta vẫn thấy ngời lên hình ảnh những con người thực sự vì nhân dân, vì cuộc sống. Những điều đó làm nên giá trị nhân văn của tập truyện này.
(Báo Văn nghệ số 41/2022)