1. Nhân tướng của một kiếp chữ!
Mười năm qua, có một nhóm các nhà văn đang trú ngụ ở khu Lĩnh Nam, Thúy Lĩnh, Tân Mai, Trương Định, vẫn thường xuyên gặp nhau loanh quanh ở cạnh cái chợ Đêm – Lĩnh Nam ngập khói bụi nhân sinh! Ấy vậy nhưng, nằm ngay cạnh chợ Đêm là văn phòng làm việc của Công ty Văn hóa Đất Việt đã về đây gần mười năm. Nhiều văn nhân đến rất ngạc nhiên, bởi giữa cái chợ cá, chợ người nồng nặc những bán mua ồn ã suốt ngày đêm, thì lại mọc lên một phòng văn với bộn bề sách vở, thơ phú! Nhóm văn nhân ấy, chúng tôi thường trêu nhau là nhóm Lĩnh Nam chích quái! Thực ra, nằm dọc theo sự ngập úng và khói bụi của đường Lĩnh Nam hiện nay là nơi cư ngụ của rất nhiều văn nhân quen thuộc. Ngõ 264 Lĩnh Nam vẫn đang in bóng ngài Tạ Duy Anh lừng lững. Ngõ 467 Lĩnh Nam là nơi ngự trị của ngài Lê Tiến Vượng với Lục bát khóc cười muôn nỗi. Ngay cạnh búi tre ngõ Đông Thiên là góc giời của ngài Vũ Hùng thi nhân, ngài đại tá nhà văn Bùi Thanh Minh và Kiên Lục Bát tôi thì ngự ở xế xế mạn Thanh Đàm – Nam Dư, ngài Vũ Đảm thì ghé ngã ba Vĩnh Hưng – Nam Dư quãng tầm trăm rưởi thước… Có dịp tôi sẽ viết sâu hơn về những gương mặt văn nhân Lĩnh Nam để hầu bạn đọc!
Đều đặn gặp nhất trong nhóm ấy là các nhà thơ, nhà văn Lê Tiến Vượng, Bùi Thanh Minh, Vũ Đảm, Đặng Văn Chương… còn với Kiên Lục Bát tôi thì chỉ hôm nào có sự kiện lớn của nhóm mới có mặt, cũng bởi còn nhiều chuyện phải lo và còn dành thời gian cho cả những niềm đam mê khác nữa!
Thông thường, trong những buổi gặp gỡ cà phê hay tiếp đón khách văn chương về chơi với nhóm văn nhân Lĩnh Nam, thì bao giờ cũng có Vũ Đảm. Những lúc ấy, thường là chúng tôi thì ồn ào, cười nói xoang xoảng, còn Vũ Đảm thì lặng lẽ nâng cốc nhâm nhi, cả bữa có khi ông chỉ nói vài câu, nhưng ánh mắt ông thì lại lấp lánh sự hoan hỷ!
Ấy, nhân tướng Vũ Đảm đấy, treo giữa dòng đời suốt mấy mươi năm qua, chỉ duy nhất một chân dung ấy, một tính cách ấy giữa muôn mặt thật giả của văn chương xứ này. Hiện nay, ông vẫn đang là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, đóng đô ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội – đại bản doanh của Hội Nhà văn Việt Nam. Người viết dùng chữ “vẫn đang là” là bởi năm 2011, ông đã đảm nhiệm công tác Phó Tổng Biên tập tạp chí này, từ khi nó còn mang tên Tạp chí Nhà văn, do Nhà văn xinh đẹp Võ Thị Xuân Hà làm Tổng Biên tập, dù ở cương vị nào, thì Vũ Đảm – Vũ Khắc Chừ vẫn chân chất hiện lên với ngoại hình và tính cách lành lặn, nhu mì như đồng đất Thái Bình quê ông vậy! Nếu chưa đọc Vũ Đảm, thì khi gặp ông lần đầu, nghe giới thiệu ông là một nhà văn, nhà báo ở thủ đô, rất nhiều người hẳn sẽ nghĩ: Không biết cái ông Nhà văn “lù đù” này viết gì nhỉ? Nhìn ngài này diện tướng thuần hậu, có phần lủm củm như ông đồ lúc mạt Hán Văn dạo nào, chả biết rồi câu chữ ra sao, rồi văn chương của ông này sẽ gieo mầm gieo nụ gì vào dòng đời này nhỉ?
2. Văn tướng của một văn nhân!
Vũ Đảm sinh tuổi Bính Ngọ – 1966, cái năm dương nam tuổi Bính Ngọ này dễ sinh hạ những kẻ tầm cỡ, kỳ tài. Đến nay, sau hơn bốn mươi năm trong nghiệp văn chương, báo chí, văn nhân họ Vũ này đã xuất bản hai mươi hai (22) đầu sách văn học ở nhiều Nhà xuất bản khác nhau. Trong ấy nổi bật với tám (08) cuốn tiểu thuyết, mười lăm tập (15) truyện ngắn và một tập phóng sự! Cuốn tiểu thuyết đầu tay là Nước mắt đêm được Nxb Thanh Niên in năm 1991, khi ấy ông văn sỹ “lủm củm” Vũ Đảm – Vũ Khắc Chừ kia mới tròn 25 tuổi! Những năm sau đó, là hàng loạt tác phẩm mang tên Vũ Đảm được xuất bản, tái bản liên tục, như:
Chuyện ở đời, tiểu thuyết, NXB CAND 1992, tái bản 2003; Tiền ơi, Nxb Thanh Niên 1993, tái bản 2002; Hãy về với anh, tiểu thuyết, Nxb Thanh Niên 1993; Dâng hiến, Nxb Thanh Niên 1993; Người trong cuộc, tiểu thuyết, Nxb Hnv 1996…
Chỉ riêng năm 1993, Nhà văn Vũ Đảm đã cho ra mắt bạn đọc tới 03 cuốn tiểu thuyết là Hãy về với anh, Tiền ơi, Dâng hiến. Kết quả ấy đủ để minh định sức sáng tạo, sự dấn thân và năng lượng làm việc của một cây bút văn chương tài hoa đích thực. Và xin được nhắc thêm, lúc ấy nhà văn của chúng ta mới hai mươi bảy tuổi!
Nhân tướng thì hiền lành, kiệm lời, nhưng khi đối diện với cuộc sống bằng cảm xúc và sự kiến giải của văn chương, thì chữ ào ạt chảy, và lúc ấy, có lẽ ông chỉ là người chép lại mạch văn chương lúc nào cũng dào dạt nơi ông! Lẽ thường, thơ ca thì bảng lảng nhưng tinh lọc và được xây dựng bởi nhũng cấu tứ độc đáo, nhiều khi là nhìn ngược, nhìn khác với số đông người thường để tạo nên sự chia sẻ sâu hơn với phận người! Còn văn xuôi, thì người viết phải làm chủ con chữ, làm chủ ý tưởng bởi cái đầu lạnh, và một tư duy thống nhất, để bắt chữ nhập vào đời và ứa lên những thông điệp mà nhà văn cần gửi gắm!
Nhà văn Vũ Đảm khi ở trong miền câu chữ, bỗng trở nên linh hoạt với những ngón đòn thượng thừa để thiết lập cấu tứ, tạo cao trào, xử lý cao trào cho tác phẩm của mình! Quả thật, nếu đã đọc quen với văn của ông nhà văn Vũ Đảm, rồi một bữa bất thình lình nào đấy mà gặp ông Vũ Đảm thật ở ngoài đời, nhiều người hẳn sẽ không nghĩ ông lại là hoạt chữ, khéo chữ đến thế! Tiểu thuyết của ông mạch lạc mà kín đáo, các thế chữ cài cắm nhau chắc chắn, câu chữ tự tung hứng trong mạch kể của ông, tạo nên sự tự nhiên cần thiết cho tác phẩm!
Văn của Vũ Đảm bài bản mà sắc lạnh, chồng lớp và ám gợi. Những chi tiết mà ông dùng, những cao trào, kịch tính mà ông lập dựng, rồi cả cái cách mà ông hạ giải kịch tính trong tác phẩm của mình cũng rất độc đáo, nó luôn tạo ra những bất ngờ đầy nhân bản khi tác phẩm khép lại!
Hơn mười năm trở lại đây Vũ Đảm tập trung vào công tác quản lý báo chí, và bận bịu với việc gia đình nên không có thời gian dành cho thể loại tiểu thuyết, ông dành thời gian riêng của mình vào mảng truyện ngắn! Chỉ trong khoảng mười năm vừa qua, đã có hàng loạt giải thưởng của Hội Nhà văn và các tổ chức văn chương uy tín khác trao cho các tập truyện ngắn của ông! Cái tên Vũ Đảm đã trở nên quen thuộc lắm với bạn đọc và người làm văn chương trong suốt mấy mươi năm qua!
Gần đây nhất, hai tập truyện ngắn là Người tử tế và Dòng sông nổi giận của Vũ Đảm được Nxb Hội Nhà văn ấn hành! Đọc trong ấy, thấy một “hơi văn” khác lạ, thấy một cách lập tứ rất riêng, như đã thành thương hiệu của Vũ Đảm. Ở tập truyện ngắn Người Tử Tế, trong truyện ngắn cùng tên, người đọc gặp nhân vật Lễ với sự gian manh thượng thừa trong cái mác “tử tế”. Bơm chỗ này, xúi chỗ kia, “chơi được” với mọi loại người toàn bằng “thủ đoạn người” là đặc điểm nhân dạng chung của cánh “người tử tế” này. Ở một truyện ngắn khác, người đọc gặp chân dung những ông trọc phú thời “hội nhập” và cả “thời ô tô nhập” này. Một ông trưởng thôn, vay lãi xã hội đen để sắm ô tô, vì các hộ gia đình ở làng ông đã “ô tô hóa” gần vãn. Mua xe rồi, gặp cơn đen đủi, ở đoạn kết, ông định thắt cổ tự vẫn, thì chính hai thằng xã hội đen đến đòi nợ khi trước quay lại… gỡ ra không cho chết: “ai cho mày chết, mày phải sống để trả hết nợ đã, rồi sống hay chết cũng mặc mẹ mày”. Cái kết của câu chuyện độc đáo và đẫm nét bi hài! Kết được câu chuyện theo cách ấy như thế là sáng tạo và cao tay trong nghề văn lắm mới dựng nên được!
Kiểu kết truyện độc đáo này rất thường thấy trong bút pháp truyện ngắn Vũ Đảm. Ở truyện ngắn Con ruồi, khi ông giám đốc nhà máy nước sạch Tinh Khiết đang thao thao bất tuyệt về con ruồi, nhằm thao túng tâm lý ông khách hàng rằng: “Con ruồi chết trong chai nước là con ruồi cái, bụng trương lên vì mang thai”, thì bị ăn một cái tát như trời giáng vào mặt từ ông khách hàng, vì rằng “con ruồi đậu trên mép ông là con ruồi đực, nó đã làm cho con ruồi cái kia mang thai và phải chết đấy”. Những cái kết rất khó đoán và rất độc ấy gần như đã trở thành lối viết riêng trong truyện ngắn của Vũ Đảm.
Trong văn của nhà văn họ Vũ này, những số liệu, những chi tiết luôn được sử dụng đắc địa, có lựa chọn để phát huy hiệu quả cao nhất của nó khi tiếp cận bạn đọc. Có thể nó chỉ là những số liệu, những chi tiết do chính nhà văn tưởng tượng ra, nhưng để phục vụ cho mục đích của văn chương, nó lại trở thành sự dẫn gợi đặc trưng về một mô thức trong lĩnh vực nào đó của thế thời hiện tại: Xin dẫn một đoạn đặc tả: “Nước Tinh Khiết chính là sản phẩm của công ty ông xản xuất. Công nghệ thì lạc hậu, cũ kỹ nhập từ nước ngoài, thật ra là thứ rác công nghiệp mà họ thải ra, đang không có chỗ vứt… Biết thế nhưng ông giám đốc vẫn quyết định mua, vì họ bán cho công ty năm triệu đô nhưng lại “hoa hồng” cho ông giám đốc những bốn triệu đô”. (Truyện ngắn Con ruồi).
Trong truyện ngắn Cõi Người (viết cách đây đã hơn 10 năm) có nhiều chi tiết rất ám ảnh. Ấy là câu chuyện của một công chức vừa mất vợ vì tai nạn nhà sập, rồi đường cùng, ông bố anh phải giả điên giả dại, để bán cả đất đang táng phần mộ của người mẹ mình ở quê cho một ông háo danh trong làng ấy! Câu chuyện với hàng loạt những chi tiết, được nhà văn kiến tạo và sắp đặt công phu, tạo nên một tác phẩm đầy những bất ngờ.
Văn của Vũ Đảm chính là những lát cắt của thời thế mà ông sống, những lát cắt sắc lạnh ấy, tưởng như lạnh, nhưng đấy là cái lạnh của một thông điệp nhân văn là báo động, cảnh tỉnh cuộc sống này! Viết được như vậy là rất khó, bởi sự cảnh tỉnh, sự báo động càng chân thực, càng sâu sắc càng dễ bị những sự hẹp hòi và quy chụp biến thành sản phẩm văn chương của sự bôi đen hoặc những trang văn tiêu cực!
Bên cạnh những cuốn tiểu thuyết đồ sộ, và những tập truyện ngắn hừng hực hơi thế thời phả vào câu chữ, Vũ Đảm còn là tác giả của hàng ngàn câu truyện cười trên báo chí với bút danh Lão Phích (bút danh này chính là tên tập truyện ngắn đầu tiên của Vũ Đảm xuất bản năm 1992), và cả trên trang facebook cá nhân của ông! Có nhiều truyện mà đọc xong, kẻ tham nhũng thì toát mồ hôi, còn người đọc thì vừa cười mà cũng vừa phát hoảng, bởi chỉ cách một nấc chữ mong manh nữa, là nhiều những truyện cười của ông sẽ được phiên sang một lối rẽ tiêu cực khác!
Quả thật, người làm văn chương đích thực nhiều khi chả khác gì anh làm xiếc đi trên dây, một bên là loài văn ca tụng, một bên là loài văn bôi đen, anh nhà văn nghiêng về bên nào cũng ngã, chỉ có thẳng lưng mà đi thì mới ở lại được với cõi văn và cuộc đời này. Nhưng người đọc cứ lo là thế, còn tôi biết với ông, chắc lúc ấy ông lại đang tủm tỉm cười một mình, bởi tự tin mà cười được thế, ấy mới là bản lĩnh văn chương của Vũ Đảm.
3. Lặng lẽ bên đời, tấp nập những trang văn
Nghề văn, không thấy mồ hôi nước mắt, không thấy đói rét, thấy bất công, thấy mất mát, không hướng câu chữ về với người yếu thế ở đời này, thì đố anh nhà văn, nào viết hay cho nổi. Tuy nhiên sự thật thì có đâu nhiều thời thế muốn nhà văn viết về cái xấu, cái kém, cái bất công của xã hội do mình quản trị? Có đâu nhiều quân tử biết và dám lắng nghe lời chê mà tự sửa mình? Nên bao đời nay, giới văn nhân, chữ nghĩa luôn nhận được sự quan tâm và lưu ý đặc biệt của thế thời! Nghĩ cho cùng ấy là sứ mệnh thiêng liêng của văn chương, nhưng cũng là cái nghiệp quả mà người viết phải mang vậy!
Dài dòng mạn đàm một chút để trở lại với nhà văn Vũ Đảm “lủm củm” của chúng ta! Sau khi in tiểu thuyết đầu tay Nước mắt đêm, năm 1992 Vũ Đảm nhập trường Viết văn Nguyễn Du khóa V, học cùng với các văn nhân như Chu Thị Thơm, Lương Ngọc An, Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Phúc Lộc Thành… Quăng quật mình trong nghề chữ, trải mấy mươi năm qua, Vũ Đảm vẫn là một trong những nhà văn tiêu biểu và xuất sắc của khóa học ấy!
Nhà văn, nhà báo thường có một cái tật chung là cái gì cũng biết. Khổ thế, lại chỉ biết màng màng, nên món chém gió là kinh lắm, nên nhiều anh là nhà văn hứng lên còn làm “công đức” đủ thứ “nghề” khác trên mạng, có anh cùng lúc còn làm cả “luật sư online”, rồi “cán bộ điều tra”… chém tut nào ra tut ấy, tranh luận ào ào cùng cả thế giới!
Nhưng với Vũ Đảm vốn kiệm lời, kiệm giao tiếp, lại hiểu rõ mình, nên ông chỉ giao tiếp cùng câu chữ văn chương là cơ bản! Có thể chính cái kiệm lời kia, ngại tranh luận, ngại giao tiếp kia lại là một thế mạnh của ông, bởi câu chữ văn chương được hình thành bởi sự tương tác giữa hiện thực cuộc sống và ý thức của người viết! Và kết quả của sự tương tác ấy là những tác phẩm được sinh ra! Vũ Đảm bên đời lặng lẽ, để cõi văn Vũ Đảm luôn nhộn nhịp những cuộc khai sinh của chữ!
Thông thường, với những người làm văn chương, đặc biệt là những người viết văn xuôi cùa chúng ta ở thời này, chỉ khi xong việc ở cơ quan, đến tuổi hưu trí, thì thường mới sinh hạ tác phẩm lớn nhất của cuộc đời mình! Ấy là bởi nghề văn, như anh nấu rượu, chữ ở đời như lúa gạo, phải được ủ men đời, càng ngấm thì càng hay. Bên cạnh đó là khi nghỉ hưu rồi, thì câu văn cũng tự do và khoáng đạt hơn, nên tác phẩm lớn nhất của mỗi nhà văn ở thời nay, thường lại tụ vào cái tuổi chiều là vậy! Bởi vì thế, tôi tin tưởng và chờ đợi lắm vào những tác phẩm sẽ được sinh ra trong tuổi chiều của ông nhà văn họ Vũ này!
Người nghe nhiều mà nói ít luôn là người có lãi, trong cõi văn và cả cõi người. Câu ấy luôn đúng, thì đấy, Vũ Đảm là một điển hình!
Hà Nội, 12/2023
Nguyễn Thế Kiên
(Hội Nhà văn Việt Nam)
Bài viết liên quan
“Hương đồng, gió nội” trong thơ Nguyễn Thế Kiên
Công ty Cổ phần Văn hóa Đất Việt xin trân trọng giới thiệu tập thơ. . .
Th8
NGÀY XUÂN ĐI CHÙA BỔ ĐÀ
Khách du lịch, người hành hương, luôn là những người thích kham phá và sùng. . .
Th6
Mẹ và Tết quê – hình ảnh đăm đắm nỗi niềm trong thơ Trần Mạnh Hảo
Mỗi chúng ta ai cũng có một nơi sinh ra và lớn lên, một nơi. . .
Th5
Vạn thọ ngày tết – Hoa của đoàn viên
Như một tín hiệu của mùa xuân, hoa vạn thọ luôn hiện diện trong tâm. . .
Th4
Đặng Văn Chương – Lặng lẽ những mạch chiều
1. Trong cõi văn chương, thì mạch thơ là thứ khó nắm bắt nhất, có. . .
Th4
“Duyên” và những nỗi niềm suy tư, khắc khoải
Duyên là tập thơ mới nhất của Kiên lục bát. Đây là tập sách thứ. . .
Th4