Đã qua độ tuổi ngũ thập tri thiên mệnh nên nhà thơ “Kiên lục bát” – Nguyễn Thế Kiên viết về tình yêu lạ lắm. Không còn ở những tháng ngày thanh tân, thu là buổi chiều của năm, là sự thu vén, để con người có cơ hội lắng nghe những hoai mục xốn lên từ tim mình sau những va đập của cuộc đời trầm luân, vô thường.
Tình yêu vì thế được anh kiến tạo bằng con mắt đã hun hút màu tháng năm. Một người đi từ bờ xôi ruộng mật của vòm trời quê Ý Yên, Nam Định, chân đã nao nát dưới hè phố Kinh thành Hà Nội mấy mươi năm có lẻ, nhưng bụi phố phường không làm phai nhạt hồn quê trong Nguyễn Thế Kiên. Và bấy nhiêu dập dồi của thương trường- chiến trường vẫn run rẩy trước những con sóng yêu hào hển. Yêu như thế, chính là cách anh làm mới, làm trẻ, tặng cho mình, cho em và cho đời đóa “Hoa phù sinh”, dẫu biết rằng sinh mệnh tình yêu mong manh và ngắn ngủi vô chừng.
Trước“Hoa phù sinh”, Nguyễn Thế Kiên được biết đến là: Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội VHNT tỉnh Nam Định, Giám đốc Công ty Văn hóa Đất Việt. Ở độ tuổi 30 tất tả với xá cày, vuông ruộng, hơn 10 năm trở lại đây, cái tên “Kiên lục bát” đã đến với nhiều độc giả yêu thơ. Sau tác giả Phạm Công Trứ thì tác giả Nguyễn Thế Kiên xứng đáng là hậu duệ của nhà thơ “chân quê” Nguyễn Bính khi cái tên anh được gắn liền với lục bát.
Bạn văn gọi anh là “Kiên lục bát” cũng là ngầm ý thừa nhận anh thành công trong thể loại thơ khó này. Anh liều lĩnh chọn cho mình một con đường đi khó. Bởi thơ lục bát dễ mà không dễ. Những vần điệu sáu, tám đã đi vào đời sống nhân dân, trở thành một thứ Kinh dân gian. Dễ vì sự mộc mạc, giản dị, nhưng không dễ, vì biến nó thành một “nick name”, chắc chỉ có anh- Kiên lục bát.
Đọc anh, ta thấy xôn xao mảnh hồn làng, từ bờ tre, gốc rạ, đến rơm vàng, mái tranh… tất cả dậy lên mùi thôn ổ. Khiến nhiều người tự nghi hoặc, đời sống thương trường quyết liệt như thế không “ăn thịt” tâm hồn của một thi nhân trong anh sao? Nhưng đi vào từng câu chữ, ta mới hiểu, đồng quê không chỉ tỏa bóng mà còn trở thành máu xương của anh. Không cốt tủy sao được, khi chỉ ngót hơn chục năm, anh đã kịp tạo lập ra thế giới qua lăng kính nghệ thuật của mình trải dài suốt 14 tác phẩm, gồm các thể loại: thơ, văn xuôi, tiểu luận, phê bình, trường ca. Ấn tượng nhất trong số đó, phải kể đến: “Chân đất đầu trời” (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2018), “Dọc ngang thân chữ” (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2016), “Từ kiếp chữ” (Phê bình & Tiểu luận, NXB Hội Nhà văn, 2018) và “Hoa phù sinh” (Thơ, NXB Thanh niên, 2022).
Đam mê, khát vọng và những giọt mồ hôi trên từng miligam quặng chữ đã bầu anh vào vị trí xứng đáng, qua các giải thưởng: giải B Lương Thế Vinh (2016- 2020) do UBND tỉnh Nam Định trao tặng, giải B Lương Thế Vinh (2016- 2020) do UBND tỉnh Nam Định trao tặng, giải C Lương Thế Vinh (2006- 2011) do UBND tỉnh Nam Định trao tặng, giải Khuyến Khích (2012 do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng, giải Khuyến Khích Lương Thế Vinh (2011- 2016) do UBND tỉnh Nam Định trao tặng. Chừng ấy thành tựu, cho một người không lập thân bằng con đường văn chương, cũng tựa như một tấm huân chương nghệ thuật mà tâm hồn thi ca dào dạt tặng cho anh.
Tập thơ tình “Hoa phù sinh” đến với độc giả vào tháng 9 năm 2022, vào đúng những khoảnh khắc thu bất tận của đất trời và gọi tên tuổi đời Nguyễn Thế Kiên. Thế Kiên viết về tình yêu khá hay. Tình yêu là thứ gì đó, đắng cay, hẫng hụt, chới với, hạnh phúc, bất hạnh nhưng chỉ một giọt ngọt ngào thôi cũng đủ để thấm khô cả một bầu trời nước mắt. Bởi vậy nó đã dẫn dụ nhân loại vào con đường huyền mị. Yêu là chất dẫn diệu kì ươm mầm sự sống, thanh tẩy mọi giả trá, bội phản, chân cảm lên ngôi. Tuy nhiên, ở đời này, đã mấy người may mắn gặp được tình yêu đích thực của đời mình? Bởi thế, người ta càng bươn bả kiếm tìm.
Tôi đồ rằng Nguyễn Thế Kiên là một người may mắn. Anh đã gặp tình yêu đích thực, nên anh viết yêu đã đầy, dốc bầu ánh sáng dâng xôn xao trong vầng trăng “Rằm” viên mãn.
Trong ta.
Xuân vẫn tự rằm
Em tin không?
Cởi trăm năm mà vào
Râm ran
Sương khói mai đào
Môi hoa lưỡi gió xôn xao nụ chồi
Đỉnh rằm cong dải hương đời
Trăng vê áo mỏng đáy trời thai nguyên.
Trăng thâu cái dịu dàng, bí ẩn của đêm, trần trụi bản thể “cởi” bỏ tất cả mọi ràng níu áo xiêm đưa ru tâm hồn khởi xuân trong nụ hôn thơm như hoa, mát lành như gió. Hai câu thơ cuối như một bức tượng tạc những đường cong thiếu nữ, run rẩy tấm áo trăng trong ngần, bắt đầu cho một sinh mệnh. Yêu thương giàn giụa kết trái. Đạo Yêu trong anh thật giản dị mà rất đỗi thiêng liêng.
Rồi một tuổi chiều đông muộn anh loay hoay “Mấy lát cuối năm”, nhìn những mùa hun hút qua kẽ tay, không nài níu nhưng trái tim như trùng xuống trong nhịp thẳm. Buổi chiều trong thơ muôn đời, không ra khỏi nỗi buồn. Nhưng tình yêu trong những lo toan, chi chút của “em” đã biến thành sự sống “TA- EM- XANH”. Tình yêu đã đem đến xuân không mùa.
Dựng cả chiều lên canh gió lạnh
Áp tết mùa đông đã thập thành
Thềm chiều lên mắt xuân lấm tấm
Những giọt mùa trong TA-EM-XANH
Nhưng trong “Mấy lát cuối năm”, lòng anh lại dội về tuổi thơ khi còn là một đứa trẻ chân trần dưới cánh đồng cuối ngày luênh loang tím. Vu vơ một cơn gió mềm gọi dáng hình người bạn gái “lon ton” bên triền đê cỏ xanh đến nôn nao, ngây dại. Cậu trai ngày ấy đã biết bổi hổi trước “cặp sừng trâu nhọn đấy/ Ta vịn mùa thơ ấu đỡ em lên”. Cái yêu đến xốn xang, non nớt như một dấu kí ức không phai, để rồi anh sảy chân quê, “lỡ vận theo rau dưa về phố”. Có gì đó như ngậm ngùi khi anh vào cuộc thương trường, con đê hiền lành dấu cỏ may đã bị thời gian mài “lũa” mà vẫn đau đáu vầng trăng, bầu ngực em. Mới hay, thuở ban đầu ấy, với anh hay bất kỳ gã trai nào đều hóa thành mãi mãi, như một thứ kí tự đặc biệt viết vào bầu trời tình yêu một nỗi u hoài trong veo như mắt trăng quê.
Anh lỡ vận theo rau dưa về phố
Câu chữ vào kinh tế giữa ngu ngơ
Em ngược nẻo trăng vàng ru biếc biển
Kỉ niệm tròn lên một đẫy đà quê.
Với Nguyễn Thế Kiên, “Hoa phù sinh” để chỉ cõi người phù du, vô thường, nhưng cũng chính sự thức nhận về nỗi ngắn ngủi ấy mà anh khởi lên những khát vọng sống đẹp, bừng nở như những đóa hoa hương sắc. Bởi vậy “Hoa phù sinh” cũng là đóa hoa phồn sinh. Đó chính là quy luật tất yếu của muôn loài. Vì thế, ta bắt gặp trong tập thơ nhiều yếu tố khơi mở phồn cảm. Tình yêu của người đàn ông, cái nhìn ban đầu thường gắn với mỹ cảm, vẻ đẹp đàn bà là đặc quyền của giới, người đẹp là vưu vật. Bắt gặp trong thơ anh, rất nhiều vẻ đẹp đàn bà. Từ những non nớt khôi nguyên “cặp sừng trâu nhọn ấy”, “ngọc sáng thiêng đồi ngực trẻ” đến “tròn lên một đẫy đà quê”, “phập phồng đôi bầu mùa”, “chật đồi xuân/ Căng áo cầu vồng”, “con trăng ủ giữa ngực đầy”…
Đi suốt “Vuông thơ” anh, tình yêu là xoan tím dâng trời, nhành sen soi hồng mặt ao, con đê cựa mình dưới vạt mưa chiều thảng thốt, cỏ thắp dậy xanh bến đò sông Đáy, đường cày lật vạt đất cặm cụi… Tưởng như bao năm gió bụi Kinh thành cũng chẳng nhuốm nổi trái tim người trai Nam Định. Những nhánh quê se sẽ làn hương mạ non hay mùa vàng chấp chới đã ươm thành xào xạc rạ rơm. Anh đi mải miết cũng không ra khỏi cánh đồng làng. “Giấc hương quan” đau đáu.
Ta về chân đất, ao làng cũ
Sen đã thiên di, cát lấp mùa
Hương xưa ngọt mát từ chân tóc
Làng chiều văn vắt mấy vuông xanh.
Phải luôn thường trực nỗi da diết quê hương, xứ sở thì thơ anh, mùi điền dã mới ngọt lành đến thế. Đó là cách anh vọng về cổng làng đến từng tận tế bào. Mảnh vườn ấy, nơi mẹ cho anh nhìn thấy ánh sáng mặt trời, nơi cha chôn xuống núm rốn để con lớn lên. Nên tình yêu đầu tiên và tình yêu tuổi 51 của người đàn ông luôn đi giữa đôi bờ sông Đáy, khoảnh khắc kí ức cựa mầm, lay gọi cơn dậy thì trai quê.
Gõ chiều vọng gió tu duyên
Lơ mơ một nửa hồng nguyên luân mùa
Rốn chân vòng lối ngày xưa
Từ trong trẻo, gặp nắng mưa dậy thì.
Và dù tiếng yêu đầu tiên, lời thương cuối cùng, Nguyễn Thế Kiên vẫn khao khát một tròn đầy, bừng rỡ, được tẩm tưới trong những rung ngân tha thiết, đầy chân cảm, khát vọng.
Con trăng ủ giữa ngực gầy
Thơ trăng vuông lụa đêm say giấc người
Rót từng khắc bạc sang tôi
Chén trăng nghiêng giọt chữ rơi đỉnh trầm.
Với Nguyễn Thế Kiên, viết như một cuộc rong du bất tận, thơ là cách anh neo trái tim mình giữa bầu khí quyển êm lành, mộc mạc. Hoa xoan tim tím, sen hồng dậy hương, mùi cỏ thềm xuân dãi dề đã trùng phùng trong cõi yêu của người thi sĩ chốn Yên Phong, Nguyễn Thế Kiên- con đẻ của đồng ruộng.
Bài viết liên quan
“Hương đồng, gió nội” trong thơ Nguyễn Thế Kiên
Nguyễn Thế Kiên là nhà thơ thế hệ 7X, quê Ý Yên, Nam Định. Đó. . .
Th8
Kiên “Lục bát” – Người quê nâng những hồn quê
Nam Định có ba nhà thơ khá thành công về thể loại Lục bát. Đó. . .
Th8
Dặm ngàn Đất Việt số 18: Nhớ nhịp chày yên thái
NHỚ NHỊP CHÀY YÊN THÁI Đào Ngọc Du Hội nhà văn Việt Nam Cảnh quan. . .
Th4
Dặm ngàn Đất Việt số 18: Đức tin và lối đến thiên đường
ĐỨC TIN VÀ LỐI ĐẾN THIÊN ĐƯỜNG Nguyễn Quang Thiều Hội Nhà văn Việt Nam. . .
Th4
Dặm ngàn Đất Việt số 18: Vũ Quần Phương (thơ)
Nhà thơ Vũ Quần Phương – Công dân Thủ đô ưu tú 2020 . . .
Th4
Chào tất cả mọi người!
Cảm ơn vì đã truy cập website của Công ty Cổ phần Văn hóa Đất. . .
Th1