NGÀY XUÂN ĐI CHÙA BỔ ĐÀ

Khách du lịch, người hành hương, luôn là những người thích kham phá và sùng kính những điều bí ẩn! Mà, chùa Bổ Đà, thì lại là cả một thế giới những điều bí ẩn!

Bí ẩn đầu tiên chính là cái tên “Bổ Đà” của chùa. “Bổ” và “Đà”, nối ghép hai tiếng đó thành tổ hợp từ “Bổ Đà”, nếu tìm ngữ nghĩa của ngôn ngữ Hán Việt, thì thấy tối nghĩa, nếu không phải là vô nghĩa. Nhưng nếu tìm vào tiếng và chữ Phạn – Ngôn ngữ gốc của đạo Phật – thì sẽ thấy có tiếng “Pô ta lan ka”. “Lan ka”, như ở trong quốc hiệu của đảo quốc Srilanka, thì đó là Phật Quan Âm (“Sri” là mỹ tự để tôn vinh, tương tự như “Đức”, “Ngài”, “Thánh”….). Còn “Pôta” thì nghĩa chính là “Nơi thờ phụng”, “chốn tu hành”, tức: “Đạo Tràng”. Tổ hợp từ “Pô ta lan ka”, vậy, có nghĩa là: “Đạo Tràng Quan Âm”.

Bây giờ ta chú ý đến từ “Pô ta” – Đạo Tràng. Về mặt ngữ âm học, mọi người đều biết: Âm “Pờ” của “Pô” thì luôn thông với âm “Bờ”. Còn âm “Tờ” của “Ta” thì thông với âm “Đờ”. Vậy chuyển âm đúng “Pô ta” sẽ thành “Bo đa”. Thêm dấu “hỏi” và dấu “huyền” cho thuận tai, đúng bản sắc và bản chất đa thanh của tiếng Việt, thì “Bô đa” sẽ thành “Bổ Đà”.

Bí ẩn của chữ “Bổ Đà” đã sáng tỏ! Đó là sự Việt Hóa, và cả “nói tắt” – đúng quy luật nói “phát âm” tiếng Việt – của: “Pô ta lan ka”, tức “Đạo Tràng Quan Âm”!

Khám phá tiếp theo, khi đi chùa Bổ Đà, thì đó là tuổi đời của ngôi chùa. Niên đại tạo tác của công trình thổ mộc như đang thấy và gọi tên là “Chùa Bổ Đà” hiện nay, thì các tài liệu văn bản và các dấu tích – kiến thức, di vật ở đây đã báo rõ: Thời Lê! Cụ thể là: Niên hiệu Bảo Thái năm thứ nhất của vua Lê Dụ Tông, tức: Năm Dương lịch 1720!

Tuy nhiên, đấy chỉ là niên đại mà Tổ Như Thị Phạm Kim Hưng đứng ra trùng tu, tôn tạo một tổ hợp kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng đã sẵn có từ trước!

Vậy “Trước” là từ bao giờ? – Ở lưng chừng núi Phượng Hoàng mà Chùa Bổ Đà – Chính (với tên chữ là Tứ Ân tự) đang tọa lạc ở chân núi, vẫn còn có một ngôi chùa nữa đang được gọi là chùa Cao, nhưng cũng còn được gọi là: chùa Bổ Đà!

Lý lịch của ngôi chùa Cao – Bổ Đà này, cho biết: Đây là kiến trúc thờ Phật Quan Âm (tượng Quan Thế Âm Bồ Tát hiện vẫn đặt trong tòa kiến trúc mới tôn tạo khang trang gần đây với diện tích lên tới gần một nghìn mét vuông), vốn xưa kia chỉ là một gian nhà nhỏ, tường đất, mái lợp gianh, có từ đời nhà Lý! Và, đến năm 1720, khi Tổ Như Thị Phạm Kim Hưng, đứng ra hưng công trùng tu – tôn tạo cả khu Di tích Chùa Bổ Đà này thì đầu tiên chính là trùng tu, tôn tạo (có thể chính là) Pô ta lan ka – Đạo Tràng Quan âm gốc này.

– Mé ngoài khu Vườn Tháp của ngôi chùa Bổ Đà – Tứ Ân Tự, hiện còn có tòa Am Tam Đức, vốn là nơi biểu dương Trí Đức, Đoan Đức, Ân Đức của Nhà Phật. Truyền ngôn nói rằng, khi Tổ Như Thị Phạm Kim Hưng viên tịch, thì các sư trụ trì mới chuyển nơi này thành chốn thờ tự Tổ!

Xung quanh và cao thấp, gần và liên kết với chùa Bổ Đà – Tứ Ân tự, hiện đang còn uy nghi và sống động một hệ thống Di tích – Chủ yếu là những ngôi đền thờ “Thạch Linh Thần Tướng”, còn được gọi là “Thạch tướng quân” – một vị thần rất linh thiêng, tương tự như Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương. Vì thế nếu như những nơi thờ phụng Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương đã được xếp hạng “Di tích Quốc gia đặc biệt” thì Thạch Linh Thần Tướng được coi là Di tích truyền kỳ từ thời Hùng Vương dựng nước, cho nên niên đại này cũng có thể là của chính Khu Di tích chùa Bổ Đà.

Khám phá được niên đại của nơi khách du lịch, người hành hương sẽ đến, mùa xuân này, không chỉ là 300 năm thời Lê, mà là nghìn năm thời Lý, cả mấy nghìn thời các Vua Hùng nữa, thật thú vị, giống như ta khám phá thêm được những giá trị về vị thế của vùng đất có chùa Bổ Đà như sau:

– Gần ngay núi Phượng Hoàng, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng loạt dấu vết của những ngôi mộ gạch xây cuốn, có niên đại thời Tùy – Đường (thế kỷ 6-9). Điều này báo hiệu vùng đất này, từ “Thời Bắc thuộc”, đã không chỉ là trung tâm cư trú, mà còn là nơi đặt lỵ sở của một thủ phủ hành chính.

– Đến thời nhà Lý (thế kỷ 11), khi Lý Thường Kiệt xây dựng “Phòng tuyến Sông Cầu” ở bên kia sông ngăn và đón đánh quân xâm lược, thì, bờ bên này, quanh khu vực tọa lạc chùa Bổ Đà bây giờ, chính đã là chiến trường trọng điểm và dữ dội của cuộc chiến đối kháng Lý – Tống;

– Phía bắc núi Phượng Hoàng, còn biểu hiện khá rõ vết tích thành lũy của nhà Mạc, trong cuộc “Chiến tranh Nam – Bắc triều” (thế kỷ 16)…

Những bằng cứ ấy, cho thấy: Chùa Bổ Đà đã được đặt vào giữa một vùng đất không những là cổ kính lâu đời mà còn có vị thế chiến lược lợi hại, kết tụ những giá trị không chỉ của một vùng cảnh quan đẹp, mà còn có ỹ nghĩa và lợi thế quân sự rất đặc biệt.

Điều này, giúp vào việc khám phá, nhận thức và nhận định về kiến trúc và cấu trúc của những tòa ngang dẫy dọc, giăng mắc ngóc ngách đến 92 gian nhà chức năng của khu nội tự, được đóng khung theo kiểu thức “Nội thông – Ngoại bế” bằng một vành đai đất nện theo kỹ thuật “Trình tường” dầy đặc, chắc nịch, ít thấy hoặc không thấy ở những ngôi chùa khác, nhưng lại khá giống như một tòa thành – căn cứ quân sự, của cấu trúc và kiến trúc chùa Bổ Đà!

Mùa Xuân này, nhất là vào các dịp Hội Chùa (mồng mười tháng giêng) và Giỗ tổ (mười bảy tháng hai), quần thể Di tích Bổ Đà và đặc biệt là ngôi chùa Bổ Đà – Tứ Ân tự, với khu Vườn Tháp (gần 8000 m2), kỳ lạ 87 ngôi Tháp và 18 mộ không xây, khu vườn cây 31.000 m2 um tùm và rực rỡ những kỳ hoa dị thảo, khu nội tự 13.000m2 uy nghi, 39 pho tượng Phật bằng gỗ quý, gần 2000 mộc bản… còn hứa hẹn những khám phá thú vị và quan trọng nhiều hơn nữa, khi vẫy gọi mọi người hành hương đến lễ và tham quan du lịch.

Nhà văn Đào Ngọc Du

(Hội Nhà văn Việt Nam)

Bài viết liên quan

“Hương đồng, gió nội” trong thơ Nguyễn Thế Kiên

Công ty Cổ phần Văn hóa Đất Việt xin trân trọng giới thiệu tập thơ. . .

Mẹ và Tết quê – hình ảnh đăm đắm nỗi niềm trong thơ Trần Mạnh Hảo

Mỗi chúng ta ai cũng có một nơi sinh ra và lớn lên, một nơi. . .

Vạn thọ ngày tết – Hoa của đoàn viên

Như một tín hiệu của mùa xuân, hoa vạn thọ luôn hiện diện trong tâm. . .

Đặng Văn Chương – Lặng lẽ những mạch chiều

1. Trong cõi văn chương, thì mạch thơ là thứ khó nắm bắt nhất, có. . .

“Duyên” và những nỗi niềm suy tư, khắc khoải

Duyên là tập thơ mới nhất của Kiên lục bát. Đây là tập sách thứ. . .

Trong thế giới ngôn ngữ thơ của Trần Quang Quý

  1. Bóng người trong kiếp chữ. Giữa bạt ngàn tác giả thơ Việt đang. . .