Dặm ngàn Đất Việt số 18: Nhớ nhịp chày yên thái

NHỚ NHỊP CHÀY YÊN THÁI

Đào Ngọc Du
Hội nhà văn Việt Nam
Cảnh quan đẹp và nên thơ bậc nhất Thăng Long – Hà Nội, đó là Hồ Tây, nơi có những làng nghề nổi tiếng quanh hồ như làng đúc đồng Ngũ Xã, làng giấy Yên Thái, lại có những làng chuyên trồng cây cảnh như Nghi Tàm, làng chuyên trồng đào như Nhật Tân, trồng quất như Tây Hồ, trồng các loại hoa như Phú Xá, Phú Gia, vào xuân rực lên đủ màu, đủ sắc. Bên cạnh đó, lại còn có những làng nghề từng vào văn chương, sử sách, như làng Võng Thị trong câu phú “Chiếu tụng Tây Hồ” của Phạm Thái:
                                           Chợ Võng Thị rượu nồng hương mới chín
                                           Lũ túy ông tất tả sang đò…
Hẳn là nơi đây khi xưa phải có nghề nấu rượu ngon, nên tỏa nức hương thơm, gió Tây Hồ tỏa hương rượu sang bên kia bờ, nên đám “túy ông” mới tất tả kéo sang Võng Thị mà say sưa. Trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi, những làng ven Hồ Tây cũng được ông ghi như sau: “Phường Thụy Chương dệt lụa, phường Yên Thái làm giấy”. Nằm trong vùng Bưởi bấy giờ, còn có làng Đông Xã, Hồ Khẩu, An Thái, Tiên Thượng, Trung Nha… đều nằm bên Hồ Tây và bên sông Tô Lịch, sông Thiên Phù. Thời cuối Lê đầu Nguyễn, nghề dệt bị đình đốn, phường Thụy Chương chuyển sang nấu rượu, ướp hương sen. Nghề rượu đi vào ca dao:
                                           Làng Võng Thị bán lợn bán gà
                                           Làng Thụy nấu rượu la đà cả đêm
Lại có truyền thuyết về “Phật say làng Thụy”. Tương truyền xưa kia làng này có một ngôi chùa đổ nát chỉ còn pho tượng Phật với dáng vẻ độc đáo: tay chống gậy, chân bước chập choạng như say rượu, nên tượng Phật coi như là Phật say. “Tây Hồ bát cảnh” của thi sĩ vô danh đời Vĩnh Hựu (1735 – 1739) có nhắc: Phật say làng Thụy, đàn thề Đồng Cổ. Danh hiệu ấy lôi cuốn nhiều người tới lễ, tới uống rượu, buôn rượu. Rượu lễ đặt ngổn ngang ở bệ thờ. Phật không say cũng phải say. Còn đã say, càng say thêm. Ngắm tượng Phật, Cống Quỳnh được tiếu lâm tôn làm Trạng, cũng từng có lần đem nậm đến và đùa bằng bốn câu thơ:
                                           Ông đứng chi mà đứng mãi đây?
                                           Dềnh dàng ngỡ tỉnh hóa ra say
                                           Tòa sen la liệt bao be rượu
                                           Tôi chỉ xin ông một nậm đầy.
Nói xong, Trạng Quỳnh rót rượu đầy nậm rồi đi…
Sử sách đã ghi lại rằng năm 1020, vua Lý Thái Tông lúc đó còn là Thái Tử Phật Mã được vua cha cử đi đánh giặc Chiêm Thành. Khi qua Trường Châu đóng quân tạm nghỉ, ban đêm thái tử nằm mơ thấy một vị thần tự xưng là thần núi Đồng Cổ (núi Trống Đồng, ở Thanh Hóa) xin theo giúp để phá giặc lập công. Sau khi thắng trận trở về, thái tử sửa lễ tạ thần núi và xin rước về thành Thăng Long lập đền thờ. Trong khi đang chọn đất để xây đền thì một đêm thái tử được thần Đồng Cổ báo mộng rằng sẽ có loạn Tam Vương. Quả nhiên, sau khi Lý Thái Tổ mất thì ba hoàng tử là Vũ Đức, Đông Chinh, Dục Thánh đem quân vào thành tranh cướp ngôi báu. Thái tử liền sai tướng Lê Phụng Hiểu đem quân đi dẹp và lên ngôi Hoàng đế. Nhớ ơn thần Đồng Cổ, vua xuống chiếu cho dựng miếu thờ ở bên phải thành Đại La, lấy ngày 25 tháng Ba năm Mậu Thìn (1028) đắp đàn cắm cờ xí, dàn thành đội ngũ, treo gươm giáo, đến trước thần vị đọc lời thề rằng “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần linh giết chết”. Các quan cùng chích máu ăn thề, sau vì ngày 3 tháng 3 gặp ngày quốc kỵ (Giỗ Lý Thái Tổ) nên chuyển lễ đến ngày mồng 4 tháng 4, làm thành ngày hội thề đền Đồng Cổ (đền Trống Đồng).
Sang đời Trần, Hội thề đền Đồng Cổ đã là một phong tục. Đến ngày mồng 4 tháng 4, trăm quan từ lúc gà gáy đã chực ngoài của thành, mờ mờ sáng thì vào triều. Vua ngự ở hành lang bên phải điện Đại Minh, trăm quan mặc lễ phục làm lễ hai lạy rồi lui ra, có đủ nghi trượng theo hầu, ra cửa Tây kinh thành, đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau thề trung nghĩa. Hội thề Thăng Long không chỉ là một lễ tục của vua quan mà còn trở thành một ngày hội lớn của dân chúng kinh kỳ.
Trải qua các cuộc chiến tranh, đền Đồng Cổ đã bị đổ nát chỉ còn lại hậu cung và một số đồ tế tự. Mãi đến gần đây đền mới được nhân dân địa phương tu sửa lại, song vẫn thô sơ, chưa thật xứng với vị thế của nó trong lịch sử. Đang hy vọng là sẽ có được một chiếc trống đồng Đông Sơn để đặt thờ tại đền Trống Đồng.
Ngôi đền này nằm trên đất làng Đông Xã, là một trong ba làng làm giấy cổ, trong đó làng Yên Thái nổi tiếng nhất, đến mức đã vào ca dao, mà bất cứ ai đã là người sống ở Thăng Long – Hà Nội cũng như nhiều người Việt Nam và cả kiều bào sống ở nước ngoài đều biết. Cứ nói đến Thăng Long – Hà Nội – Hồ Tây là nhớ ngay đến:
                                           Nhịp chày Yên Thái, canh gà Thọ Xương
                                           Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
                                           Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ…
Tiến sĩ Nguyễn Công Cơ cùng Tiến sĩ Nguyễn Trạc Dụng (An Thái), Tiến sĩ Nguyễn Đình Hoàn (Bái Ân) đã thảo thần tích về ông Dầu, bà Dầu vào triều vua Lê Hi Tông (1680). Truyền lại rằng vào cuối đời vua Nhân Tông triều Lý (1072 – 1126) có ông Võ Phục – tên chữ là Phúc Thiện – quê quán ở huyện Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc), đến ở tại xã Minh Cảo, huyện Từ Liêm. Ông lấy vợ người làng, nhà họ Đỗ ở ngõ Bảo Tháp, vợ chồng lấy nghề buôn bán dầu trẩu sinh sống. Lúc bấy giờ nhà vua đột nhiên bị đau mắt nặng, thuốc thang chữa trị mãi không khỏi, nghe tin ở Kim Bảng, núi Vân Mộng có ngôi chùa cổ có thầy Quỷ Cốc Tiên sinh rất giỏi, liền cử người đến xem. Thầy gieo quẻ: trong quẻ ẩn chứa hình tượng vua chúa. Nhà vua xây dựng cung điện trong kinh đô bị dòng nước từ hướng Kiến Tuất như mũi tên bắn lại, nên bị động đến long thể và kinh thành, do đó phải tìm cách trấn trị thì mới bảo đảm được an toàn thành trì và long thể. Lúc ấy, sông Thiên Phù và Tô Lịch đến đây cùng hợp chảy vào phía Tây Bắc thành Thăng Long. Nay phải làm thế nào chặn dòng chảy lại. Nhà vua nghe xong liền than rằng: “Nay nhân lực vật lực đã quá hao tổn, ta biết làm sao bây giờ”. Vua bèn sửa soạn trai giới, lập đàn cầu đảo Bách Thần, mong thần linh giúp lấp quãng sông ấy. Một mặt sai quan Trung sứ đến ngã ba sông đặt hương cầu khấn. Sứ khấn rằng: “Hỡi Thần linh Thổ địa, Hà bá tiêu quan, ngày nay từ lúc mặt trời mọc đến lúc chiều tà thành vàng nghìn dặm không thấy gò đống, nay bằng bói khoa thấy thành Thăng Long bị dòng Kiền Tuất chảy ngang, xói qua. Nếu lấy sức người chặn lại thì không nổi, nay khẩn cầu Bách thần trợ giúp nhanh chóng sao cho nổi bãi phù sa ngăn dòng nước, để thánh đế được an khang, thành trì được vững chắc lâu dài. Nếu Thần Sông có linh thiêng xin báo ứng”. Khấn xong thấy tinh thần mệt mỏi, liền thiếp đi, đêm ấy sứ mộng thấy thần nhân hiển hiện, có người trần tục quần áo khác thường, từ trên không đến thẳng trước mặt.
Sứ chắp tay cúi đầu lạy hỏi:
– Thưa, nay muốn lấp chỗ sông ấy thì phải làm thế nào?
Thần nhân nói rằng:
– Về nói với nhà vua, muốn lấp sông, hãy chọn ngày nào đó, từ sớm đến chiều, thấy người đầu tiên đến chỗ sông ấy thì giữ lại, hỏi người ta thích gì thì ban cho người ta, rồi ném vào quãng sông giữa dòng chảy, sau phong làm Phúc thần, lập đền miếu thờ cúng.
Thần nói xong tự nhiên biến mất. Sứ giả kinh hoàng tỉnh giấc, trong bụng vẫn nhớ đinh ninh lời thần trong mộng, liền về tâu nhà vua lời thần chỉ bảo. Vua lấy làm lạ, muốn nghiệm lời thực hư thế nào, bèn cử sứ đến quãng đường mé sông nấp đợi. Vào tờ mờ sáng chưa rõ mặt người, sương mù mờ mịt, đã thấy vợ chồng Võ Phục vai quảy gánh dầu từ làng Cảo đi tới, sứ bèn giữ lại không cho đi. Võ Phục ngạc nhiên hỏi:
– Vợ chồng lão phu sớm đi tối về, chỉ biết lấy nghề buôn bán dầu sinh sống, nay quan nhân vô cớ giữ lại, thì đây là việc phúc hay tai họa?
Sứ thần nói:
– Xin hãy đợi!
Nói rồi sứ bèn lên ngựa về tâu với vua:
– Thần vâng lệnh canh đợi quãng đường ấy, nay chỉ thấy hai vợ chồng ông bà già buôn bán dầu là người đầu tiên đi đến. Thần đã giữ lại, nay về tâu xin ý kiến bệ hạ nên khu xử thế nào?
Nhà vua trầm ngâm suy nghĩ lúc lâu rồi phán:
– Hãy y lời mộng thần chỉ bảo, xem thực hư thế nào?
Sứ thần liền trở lại, lấy lời lẽ khuyên bảo.
Võ Phục điềm nhiên nói:
– Chết ta há tiếc, công danh cũng khó mà mua được, huống hồ con người ta sinh ra ở đời chẳng ôm vàng giữ ngọc, gặp lúc để tiếng thơm muôn đời sao nỡ cúi đầu khư khư giữ mạng sống ở cõi đời thế ru! Xin sứ cho về nhà cùng em trai, để giao phó việc nhà rồi xin trở lại theo lệnh vua.
Sứ thần nói:
– Không được, theo lời thần linh chỉ bảo trong mộng thì mệnh của ông bà chỉ nội nhật ngày hôm nay, sở nguyện của ông bà thế nào thì xin cho biết.
Võ Phục nói:
– Mùa xuân ca xướng, hát múa, yến tiệc, thịt gà mái ghẹ ăn với cơm nếp đậu xanh, xôi dẻo bò béo, đó là sở thích của ta vậy.
Sứ thần tức thì sai người mổ gà đồ xôi, các thứ đầy đủ mời hai ông bà ăn no. Ăn xong ông ngửa mặt lên trời nói rằng: “Nay vợ chồng ta bỏ mình cứu nước, lấy cái chết để cứu vua, trời cao có biết cho xin hãy chứng giám”. Nói xong tự nhảy xuống giữa dòng sông mà chết, lúc ấy đúng ngày 30 tháng 11 (âm lịch).
Lại nói ông em trai ở nhà, được tin anh chị tuẫn tiết, kinh hoàng, khóc lóc thảm thiết, vội vàng đi xuống đến Ao Cá, Quán Cây, nhìn sang chỗ anh chị tuẫn tiết, bốn bề vây kín, quan quân canh giữ nghiêm mật, cấm người qua lại. Ông uẩn ức ngậm hờn bèn dập đầu vào mắt gốc cây to ở đấy mà chết giữa ngày mồng 6 tháng Chạp. Sau này vua cấp sắc phong là “Chiêu Điều Đại vương”.
Từ đấy trở đi, bãi phù sa nổi lên ở dòng sông, nước bình lặng chảy. Bệnh đau mắt của nhà vua dần khỏi. Nhân dân lập miếu phụng thờ phong làm Phục Thần, tìm đến con cháu cho về ở phường Tục Lâm, nay là phường Yên Thái, trông nom lăng tẩm. Đến nay trong phường con cháu giống họ Võ vẫn còn ở mấy xã ven thành. Năm Đinh Mùi, vương hiệu Thiên Phù Khánh Thọ năm đầu, nhà vua cho xây dựng đền miếu thờ cúng.
Nhà vua giao cho phường Yên Thái – Bái Ân và nhiều nơi thờ cúng, đến nay đã hơn sáu trăm năm hương khói không bao giờ tắt, rất linh ứng. Dân trong vùng cảm công đức của Đại vương, một lòng thờ cúng, mùa nào thức ấy đầy đủ. Nhà vua hàng năm cũng đến tế lễ long trọng. Đến nay ở làng Minh Cảo, xóm Ngõ Dầu, vẫn còn nền nhà cũ của Đại vương, dân gọi là đất Cấm Địa.
Trong bài Phú tụng Tây Hồ, Nguyễn Huy Lượng nói về nghề làm giấy rất thơ của làng Yên Thái:
Chày Yên Thái nện trong sương chuểnh choảng…
Hẳn là từ mạn Bưởi, Yên Thái, tiếng chày giã dó thành bột để làm giấy đã vang động cả một vùng hồ nước mênh mông, nên mới được Nguyễn Huy Lượng ca tụng đến như vậy.
Cây dó lấy tận trong rừng sâu, xuôi bè sông Hồng về Yên Thái. Người ta ngâm vào bể nước vôi khoảng 7 ngày, vớt lên bóc vỏ, lại cho vào bể nước hoặc ngâm xuống ao khoảng 7 ngày nữa, vớt lên cho vào nồi nấu trong vòng 48 giờ, vớt ra phân loại. Từng loại cho vào giã thành bột, sau đó cho vào hòa tan cùng một số chất khác và seo thành từng tờ. Cối giã dó là một khối đá xanh được đục sâu khoảng 50 phân. Chày giã dó là một cây gỗ dài khoảng 4m, mỏ chày dài khoảng 70 phân thường bằng gỗ nghiến. Cứ đêm đêm, ba người đàn ông khỏe mạnh leo lên cối giã. Tiếng cối vang xa khắp làng, khắp mặt Tây Hồ.
Các cụ ở làng Yên Thái khi nói về cái nghề tổ của làng mình đã cho rằng nghề làm giấy có từ xa xưa. Nhật ký trong tù bản in năm 1960, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đều được in trên giấy dó làng Yên Thái.
Theo lịch sử tổ nghề giấy ở An Cốc, Phú Xuyên, Hà Tây có truyền lại:
Chữ rằng nghề tinh thân vinh
Nhờ ơn ngày trước Thái Luân học cùng
Thái Luân sống vào thời Đông Hán nghĩ ra nghề giấy ở Trung Quốc khoảng năm 105 sau Công nguyên. Ở Việt Nam ta từ thế kỷ thứ III đã biết làm giấy và phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV. Cụ tổ nghề giấy ở Việt Nam không rõ tên, người An Cốc, học nghề từ Trung Quốc về dạy cho 3 làng: An Cốc (Hà Tây), Yên Hòa, Yên Thái (Hà Nội). Người vùng Bưởi kể: Không rõ ông từ đâu tới, chỉ biết ông tới Thượng Yên Quyết (Yên Hòa) dạy cho dân làm giấy. Vì không hài lòng với cách cư xử của địa phương nên ông chỉ dạy làm giấy thô rồi bỏ sang Hồ Khẩu dạy dân làm giấy moi. Đến Đông Xã, ông dạy dân làm giấy quỳ. Vào làng Yên Thái, ông dạy dân làm giấy lệnh cho xóm Đông, xóm Thọ, xóm Đoài. Cuối cùng ông dạy dân làng Nghĩa Đô làm giấy sắc, sau làng có tên là làng Nghè. An Cốc giỗ cụ tổ Thái Luân và cụ tổ người Việt vào ngày 9, 10 tháng Giêng, ngày tổ nghề bỏ làng ra đi. Con dân Hồ Khẩu, Yên Thái… giỗ vào 16 tháng Ba tại Cầu Kho, cũng là ngày tổ nghề từ biệt làng Nghè ra đi. (Theo Nghề thủ công truyền thống và các vị tổ nghề – NXB Văn hóa dân tộc – 1996).
Như trên đã nói, nghề làm giấy dó có ở vùng Bưởi, chủ yếu tập trung vào ba làng: An Thái, Đông Xã, Hồ Khẩu. Thôn Nghè (nay thuộc phường Nghĩa Đô) có dòng họ Lại chuyên làm loại giấy dó tốt nhất mà các vua chúa phong kiến thường dùng để viết các sắc, lệnh của triều đình. Nhắc đến làng quê truyền thống, các cụ hay đọc một câu ca dao cũ:
                                           Tiếng đồn con gái Nghĩa Đô
                                           Quanh năm làm giấy cho vua được nhờ
Theo ông Lại Đạt, cán bộ quân đội về hưu, chi họ Lại (Nghĩa Đô) thờ Tổ Cẩn Tổ Quảng và hai Bà Cô Tổ là Tước và Lệnh. Nhà thờ tổ họ Lại trùng tu năm 1954, đại tu năm 1991. Cụ Lại Thế Giáp lấy Phi Diệm Châu, hiệu Từ An, con gái của chúa Trịnh Tráng (1576 – 1657). Thấy bên họ nhà chồng nghèo, bà nói với vua Lê, chúa Trịnh cho dòng họ làm giấy sắc chuyên cung cấp cho triều đình. Cụ Lại Phú Vinh, tước Đô Thịnh Hầu, chức vụ Đô Tư chỉ huy sứ, ngự dụng Kim Tiên cục, chuyên quản lý nghề giấy cho triều đình. Mộ chí nay vẫn còn. Nhà thờ họ Lại có bức hoành “Kim Tiên Thị Lộc – Lại Tộc”. Câu đối ghi:
                                           Kim Tiên tự cổ truyền gia bảo
                                           Hoa bút kinh kim nhạ quốc hương
Tạm dịch:
                                           Giấy vàng xưa vẫn truyền gia bảo
                                           Bút ngọc nay còn đượm quốc hương
Dân làng Nghè nhờ các cụ Xã Vy, cụ Phó Nham, cụ Trương Lại, cụ Trương Xứ, cụ Phó Nhiên, cụ Bếp Kiên… nổi tiếng làm giấy sắc. Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen cũng sinh tại làng Nghè, làng của người thợ thủ công. Cũng từ làng này, ông đã viết: Xóm Giếng ngày xưa, Giăng thề, Quê người, rồi Dế mèn phiêu lưu ký…
Tại thôn này, người ta còn giữ được tờ giấy “sắc” thời phong kiến vẽ mây rồng. Các cụ thường kể lai lịch:
– Nghè đây không phải ông nghè, ông trạng mà là nghề “nghè giấy” hay ghè (nện) giấy. Ngày xưa chưa có máy ép thì khi đã đúc xong những tờ giấy trên khuôn, nhuộm xong, phơi khô xong, người ta xếp thành từng tập, mươi mười lăm tờ một, đặt lên phiến đá thẳng, dùng chày mà nghè (ghè, nện) cho thật kỹ, đến khi giấy mịn mặt thì thôi.
Ra thế, có được những tờ giấy mỏng, dai, là nhờ giấy được nghè!
Làm giấy thường thì những công đoạn không phức tạp lắm. Đáng chú ý là việc làm loại giấy đặc biệt. Các loại giấy thông thường có thể làm từ cây giang, cây nứa, bã mía… Nhưng làm giấy sắc thì hoàn toàn phải dùng vỏ cây dó sạch, không pha tạp chút nguyên liệu nào khác, để giấy không nát, bền và dai. Tờ giấy khi đã seo từ khuôn đem phơi cho khô rồi nhuộm. Màu vàng của giấy sắc không quá sẫm. Người ta rang hoa hòe, giã lọc kỹ, pha với phẩm hoa hiên, phẩm hồng. Pha những thứ màu đó rồi đổ lẫn với nhau cho ra một màu chung để nhuộm giấy. Xong khâu nhuộm thì đến khâu vẽ. Chất liệu vẽ là kim nhũ hòa với keo da trâu. Người ta dùng bút lông vẽ hình long, ly, quy, phượng, mây, hoa… Sau này để sản xuất hàng loạt các hình ẩn trên nền giấy được in bằng khuôn ván gỗ như tranh khắc. Những hình vẽ trên giấy sắc đã được quy định rõ ràng, giấy sắc phong cho phẩm trật nào thì có vẽ loại hình ấy. Có hai loại giấy đặc biệt: một là giấy sắc và giấy lệnh. Giấy sắc phong các vị thần, các vị có chức tước cao thì dùng giấy màu vàng, còn giấy sắc thường thì dùng giấy lệnh. Các cụ làng giấy kể về thứ giấy đặc biệt thời phong kiến như sau:
Các vua nhà Nguyễn muốn có giấy sắc thì từ trong Huế lệnh cho Tổng đốc Hà Nội. Viên quan này sẽ cho lính đến Yên Thái bắt thợ tập trung làm giấy.
Mỗi đợt triều đình cần giấy sắc như thế thì việc làm giấy được giao cho một số nhà làm. Mỗi nhà ấy đều có lính đóng tại đó để kiểm tra, xem xét. Nhà làm giấy khi bắt tay làm giấy sắc phải dọn dẹp sạch sẽ, bàn thờ tổ phải có khói hương, vì việc làm giấy sắc là việc vô cùng quan trọng theo ý chỉ của vua. Giấy làm xong thì lính áp tải về dinh Tổng đốc, nhập kho rồi mới được trả tiền công. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, người vùng Bưởi tản cư về Ấm Thượng, Ấm Hạ (Phú Thọ) làm giấy in báo kháng chiến, in tiền “Cụ Hồ”. Sau 1954, các hợp tác xã thành lập như hợp tác xã Đông Thành, Đông Hòa, Cộng Lực… rồi nhà máy giấy Trúc Bạch.
Bước sang thời kỳ công nghiệp phát triển hiện đại, nghề làm giấy thủ công truyền thống cổ xưa ở vùng bưởi ven Hồ Tây không còn đại trà thích hợp nữa. Tuy nhiên, vẫn có nhà giữ lấy được nghề tổ. Họ không làm giấy dó, giấy sắc như xưa, nhưng vẫn còn một ít gia đình làm loại giấy mà hiện Hà Nội và các địa phương rất cần. Đó là thứ giấy người ta gọi nôm na là giấy bản, giấy thấm, giấy gói, giấy để nhuộm màu làm hàng mã. Biết đâu đấy, sẽ có một ngày, nhờ cố giữ nghề như thế này, mà những thứ giấy sắc, giấy lệnh mới, rồi sẽ lại được trọng vọng và trọng dụng, trong việc làm các giấy khen, chứng chỉ huân huy chương, hoặc văn bằng, công văn – công hàm, gửi đi quốc tế và dùng trong nước.
Nhớ lại khoảng vài ba mươi năm trước, có dịp đến Yên Thái, còn thấy hai bên đường làng, hai bên sông Tô Lịch, phố Thụy Khuê, còn nhiều bể ngâm dó, cối giã dó của hợp tác xã, của các gia đình hoạt động tấp nập ngày đêm. Giấy bản phơi dọc đường ngõ, gió bay trông như những cánh bướm. Thật đáng tiếc, hình ảnh hoạt động của một trong những làng nghề lâu đời nhất ở Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội nay không còn nữa! Lẽ nào có thể coi đây âu cũng là tất yếu của sự giải phóng sức lao động cơ bắp, chuyên môn hóa sản xuất? Một nghề cha truyền con nối quý hóa và đặc trưng, nay đã đi vào dĩ vãng, như thế này, phải chăng cũng là hợp quy luật của sự phát triển xã hội…

Bài viết liên quan

“Hương đồng, gió nội” trong thơ Nguyễn Thế Kiên

Nguyễn Thế Kiên là nhà thơ thế hệ 7X, quê Ý Yên, Nam Định. Đó. . .

Một đóa phù sinh tỏa hương yêu

Đã qua độ tuổi ngũ thập tri thiên mệnh nên nhà thơ “Kiên lục bát”. . .

Kiên “Lục bát” – Người quê nâng những hồn quê

Nam Định có ba nhà thơ khá thành công về thể loại Lục bát. Đó. . .

Dặm ngàn Đất Việt số 18: Đức tin và lối đến thiên đường

ĐỨC TIN VÀ LỐI ĐẾN THIÊN ĐƯỜNG Nguyễn Quang Thiều Hội Nhà văn Việt Nam. . .

Dặm ngàn Đất Việt số 18: Vũ Quần Phương (thơ)

   Nhà thơ Vũ Quần Phương – Công dân Thủ đô ưu tú 2020  . . .

Chào tất cả mọi người!

Cảm ơn vì đã truy cập website của Công ty Cổ phần Văn hóa Đất. . .