HỒN TRE
Đại tá – Nhà văn Phạm Thanh Khương
Hội Nhà văn Việt Nam
Năm nào cũng thế, mỗi độ xuân đến tôi lại lần đường tìm về quê để thắp nén hương lên tiên tổ và để được lắng hồn mình trong sự bao bọc của làng quê. Trong muôn vàn tình quê trao gửi, tôi cứ đăm đắm một màu xanh, cái màu xanh ngằn ngặt của rặng tre làng bao bọc.
Những năm trước đây, mỗi khi về quê, tôi thường dừng chân ở mom đất, nơi đánh dấu địa giới hành chính của làng tôi với làng bên để nhìn về. Nhìn từ xa, làng tôi chỉ có một màu xanh ngằn ngặt. Màu xanh ngằn ngặt đó thường làm cho tôi nghĩ đến chút lười nhác và cẩu thả của người hoạ sĩ khi vẽ đến khoảng xa của cả một bức tranh quê. Trong cái màu xanh xanh ngằn ngặt ấy là cả một quãng đời mà tôi đã lớn lên và trưởng thành.
Sau khi đã đứng nhìn cho no con mắt về màu xanh xanh ấy, tôi cứ thư thả, từng bước, từng bước về làng. Những lúc như thế, bao giờ tôi cũng thấy mình thật nhỏ bé và lòng rưng rưng miền hoài cảm. Mùi ngai ngai của đất, mùi thơm thơm dìu dịu của cây lúa mới bén rễ, mùi hoang hoải của thửa ruộng vừa bừa trít và cả mùi man mát, mơn man của gió đồng phóng túng ào ào thổi.
Ngày cha tôi còn khoẻ, vào đêm hè, gặp ngày trăng sáng, ông thường kể cho chúng tôi nghe về cái đận quân Pháp đưa xe tăng vào làng càn quét trong trận Hổ Xám. Chẳng biết nghe đâu, bọn lính ở đồn Giáo Nghĩa đóng ở làng bên hay tin làng tôi chứa chấp Việt Minh. Bọn lính ở đồn bẩm báo lên trên. Thế là máy bay, tàu bò, xe tăng bọc thép, lính khố xanh, khố đỏ, bảo an binh rầm rập kéo về bao vây cái làng Nang nhỏ bé quê tôi.
Chẳng biết từ bao giờ, bốn mặt vào làng là rặng tre gai dày hàng chục thước như thành như luỹ che chắn, bảo vệ. Vì bốn xung quanh là rặng tre dày, ken đặc quân Pháp không thể nào vào được. Đánh chính diện cổng làng quân Pháp sợ bộ đội và du kích gài mìn nên đành phải tìm cách phá rặng tre để mở đường càn quét. Quân Pháp phải dùng mìn rồi ném bom phạt cả dãy tre bao bọc làng mới hòng vào được. Trong khoảng thời gian ấy, những người du kích và quân chủ lực đã kịp triển khai lực lượng, thế trận chiến đấu. Khi quân Pháp vào được làng thì vườn không nhà trống, lại rơi vào thế thiên la địa võng bởi những dãy tre chạy dọc theo các ngả đường và các con ngõ. Từ phía bên trong của các dãy tre, đạn bay, mìn nổ, tên bắn làm cho quân Pháp vỡ trận, dẫm đạp lên nhau bỏ chạy. Trận càn Hổ Xám đã trở thành nơi chôn quân xâm lược, là nỗi khiếp sợ của bọn viễn chinh về một xứ sở của tre, của làng quê đất Việt.
Năm tháng qua đi, rặng tre làng vẫn cứ xanh và lớn lên cùng tuổi thơ của chúng tôi. Vào những trưa hè, dưới khóm tre, mẹ mắc chiếc võng đay cho lũ tôi nằm ngủ. Mỗi khi có làn gió thổi qua, cả rặng tre lại cất lên tiếng ru đưa nôi. Trong giấc mơ của mình, chúng tôi luôn có chị Tấm dịu hiền, có nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn tốt bụng. Kẽo kẹt, kẽo kẹt. Tiếng tre đang tâm sự, đang kể chuyện làng quê cùng những câu chuyện cổ tích có ông tiên luôn cứu giúp người hiền. Trên vòm cao, tiếng ve réo rắt, du dương thả xuống bay bay trong nền trời xanh thăm thẳm.
Vào những ngày giá lạnh, bọn nhóc chúng tôi lại rủ nhau chơi trò đốt đồng. Đứa nào đứa nấy chạy về nhà lấy chiếc chổi tre, thi nhau quét vun lá rụng để đốt. Mùi lá tre khô bắt lửa cháy thơm thơm ngầy ngậy, hăng hắc. Những đống lá tre to lũ chúng tôi đốt cả ngày còn chưa cháy hết. Những lúc như thế, lũ chúng tôi thường chạy về lấy trộm củ khoai, củ sắn mang ra vùi vào đống than lá tre. Hơi nóng và mùi thơm của lá tre, hơi chín của khoai, sắn cứ rưng rức hút hồn lũ chúng tôi. Hơi ấm làng quê từ những chiếc lá tre mảnh, sắc như ngọn kiếm đã đưa chúng tôi qua bao mùa giá lạnh. Hơi ấm hồn quê cho chúng tôi hiểu hơn về mảnh đất đã sinh ra.
Màu xanh ngằn ngặt, tiếng ru kẽo kẹt, tiếng ve réo rắt, mùi thơm thơm ngầy ngậy, hăng hắc của lá tre gai, của củ sắn, củ khoai mỗi khi lũ nhóc chúng tôi vun đống đốt lửa sưởi lạnh, hay nằm nghe mỗi trưa hè đã đi cùng năm tháng tuổi thơ. Mỗi khi có dịp gặp lại nhau sau những ngày làm ăn vất vả trong cõi con người lam lũ, trong ký ức quê hương ai cũng luôn khắc khoải nhớ về tiếng kẽo kẹt ru nôi trưa hè, còn tươi nguyên mùi thơm thơm ngầy ngậy của lá tre đốt đồng. Trong giấc ngủ trên chăn dưới đệm, giật mình khi có cơn gió qua lại thảng thốt về hơi ấm của lá tre một thuở.
Năm tháng lùi xa, tuổi người ngày một nhiều nhưng ký ức về rặng tre làng vẫn tươi nguyên như ngày chăn trâu đuổi bướm. Tiếng kẽo kẹt, kẽo kẹt vẫn ru chúng tôi mỗi đêm mất ngủ. Lời quê ủ ấm chân đêm, soi sáng chân ngày.
Năm nay về quê, rặng tre xanh ngằn ngặt của nét vẽ người hoạ sĩ lười nhác cũng không còn. Đứng từ xa trông về, cái màu xanh ngằn ngặt của tre đã thay vào đó là màu của những ngôi nhà cao tầng ngả ngớn trong giá buốt. Rặng tre đã mất, tiếng ve thảng thốt mỗi trưa hè cũng mất, lời ru kẽo kẹt cũng đã xa. Cô Tấm trong chuyện cổ tích đã ẩn mình vào quả thị, nàng Bạch Tuyết cũng đã theo bảy chú lùn về quê trời Âu. Đường làng chao chát heo may, ràn rạt gió. Những cơn gió mùa lạnh ngắt thông thống thổi. Trên con đường làng, không còn bóng người dềnh dàng đi đón xuân bồng bềnh cùng hơi rượu. Lời chúc phúc lắng đi không còn xôn xao nơi ngõ nhỏ.
Lời ru kẽo kẹt ơi! Lời tre ru nơi nào về đi.
Bài viết liên quan
“Hương đồng, gió nội” trong thơ Nguyễn Thế Kiên
Công ty Cổ phần Văn hóa Đất Việt xin trân trọng giới thiệu tập thơ. . .
Th8
NGÀY XUÂN ĐI CHÙA BỔ ĐÀ
Khách du lịch, người hành hương, luôn là những người thích kham phá và sùng. . .
Th6
Mẹ và Tết quê – hình ảnh đăm đắm nỗi niềm trong thơ Trần Mạnh Hảo
Mỗi chúng ta ai cũng có một nơi sinh ra và lớn lên, một nơi. . .
Th5
Vạn thọ ngày tết – Hoa của đoàn viên
Như một tín hiệu của mùa xuân, hoa vạn thọ luôn hiện diện trong tâm. . .
Th4
Đặng Văn Chương – Lặng lẽ những mạch chiều
1. Trong cõi văn chương, thì mạch thơ là thứ khó nắm bắt nhất, có. . .
Th4
“Duyên” và những nỗi niềm suy tư, khắc khoải
Duyên là tập thơ mới nhất của Kiên lục bát. Đây là tập sách thứ. . .
Th4